Sáng cùng ngày, mạng xã hội lan truyền phương án thành lập các quận: Gia Định, Sài Gòn, Chợ Lớn. Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Thắm khẳng định hiện vẫn đang trong giai đoạn rà soát và xin chủ trương Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, chưa có phương án cụ thể và chính thức nào được thông qua. Do vậy, những phương án này hoàn toàn sai sự thật.
Lãnh đạo Sở TT-TT cho biết thêm đang phối hợp Sở Nội vụ cập nhật thông tin, tình hình cho cơ quan báo chí trong thời gian tới. Song song đó, Sở TT-TT đang phối hợp Bộ TT-TT rà soát, xử lý các tài khoản đăng tải thông tin sai sự thật.
Đây không phải lần đầu tiên những phương án sắp xếp quận, phường ở TP.HCM được cư dân mạng “tưởng tượng” và đăng tải trên mạng xã hội. Vào đầu tháng 8.2023, mạng xã hội lan truyền thông tin về 3 phương án sáp nhập các quận. Ngay sau đó, lãnh đạo Sở Nội vụ và các địa phương đều lên tiếng bác bỏ.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, trên Wikipedia từng có chủ đề “Phương án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính tại TP.HCM”, trong đó đưa ra nhiều phương án sáp nhập quận này với quận kia, hoặc 2 phường, xã cạnh nhau và đổi thành tên mới. Hiện những thông tin này đã bị gỡ bỏ.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn thực hiện theo chủ trương của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Trong giai đoạn 2023 – 2025, đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp gồm: quận có diện tích dưới 7 km2 và dân số dưới 300.000 người; phường rộng dưới 1,1 km2 và dân số dưới 45.000 người (phường thuộc quận) và dưới 21.000 người (thuộc thành phố); xã rộng dưới 6 km2 và dân số dưới 24.000 người.
TP.HCM có 16 quận, 5 huyện và TP.Thủ Đức với 312 phường, xã, thị trấn. Hồi tháng 8.2023, Sở Nội vụ gửi văn bản đề nghị 6 quận và 142 phường, thị trấn rà soát các tiêu chí đặc thù để xem xét không phải sắp xếp theo Nghị quyết 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, 6 quận gồm: 3, 4, 5, 10, 11 và Phú Nhuận. Danh sách 142 phường, thị trấn ở các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, TP.Thủ Đức và H.Hóc Môn.