Mong cộng đồng kiều bào cùng làm nên lịch sử
Tại sự kiện, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), đã chia sẻ về hành trình 40 năm mà ông đồng hành cùng đất nước.
Nhớ lại vào năm 1984, khi đang làm thanh tra tài chính tại Mỹ, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhận được lời mời từ cơ quan đại diện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc về thăm quê hương.
Trong chuyến thăm này, ông gặp được bác Phạm Văn Đồng - Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc đó. Chính bác Phạm Văn Đồng đã đề nghị ông giúp Việt Nam mở đường bay thẳng TP.HCM - Manila (Philippines) của Vietnam Airlines. Đây là đường bay quốc tế chính thức đầu tiên ra các nước tư bản, góp phần quan trọng trong việc phá vỡ thế bao vây, cấm vận đối với Việt Nam thời bấy giờ.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh rằng cách đây 40 năm, Đảng và Nhà nước đã nhớ đến và xem trọng vai trò người Việt Nam ở nước ngoài trong việc phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia. Theo ông, Chính phủ và Nhà nước không phân biệt người Việt Nam trong nước hay ngoài nước, mà thay vào đó luôn trân trọng sự đóng góp của tất cả người dân.
Nhìn lại hành trình 40 năm gắn bó với quê hương, ông Johnathan Hạnh Nguyễn kêu gọi thế hệ trẻ kế thừa tiếp tục phát huy tinh thần muốn đóng góp cho quê hương.
"Thời gian không chờ đợi chúng ta, và nếu còn sức lực, tài chính thì kiều bào hãy trở về để đóng góp xây dựng đất nước. Một cây làm chẳng nên non nhưng nếu cả cộng đồng kiều bào cùng hiệp lực thì sẽ làm nên lịch sử", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhắn nhủ.
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, trong những năm qua, TP.HCM đã vươn lên trở thành đô thị năng động bậc nhất Việt Nam. Những dự án trọng điểm, như tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đang góp phần tạo nên diện mạo của một thành phố văn minh, hiện đại.
Ông cho rằng với mục tiêu mở rộng đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thì việc thu hút nguồn lực từ kiều bào trở nên cấp thiết.
"Là một trong những tập đoàn tiên phong kêu gọi đầu tư từ kiều bào, IPPG chúng tôi, qua gần 40 năm gắn bó và phát triển tại Việt Nam, luôn xác định sứ mệnh cống hiến cho quê hương. Nếu được các cấp chính quyền phê duyệt và cho phép, chúng tôi sẽ triển khai các dự án mang tính chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội như khu thương mại cao cấp và trung tâm mua sắm giảm giá theo chuẩn quốc tế; khu phức hợp thương mại, giải trí quy mô lớn để tạo việc làm và kích cầu du lịch", ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết.
Để TP.HCM thu hút hơn nữa nguồn lực của kiều bào và hiện đại hóa công nghệ, ông Johnathan Hạnh Nguyễn hiến kế 4 giải pháp.
Thứ nhất, minh bạch hóa thủ tục đầu tư. TP.HCM cần thiết lập quy trình "một cửa" dành riêng cho dự án công nghệ cao và các doanh nghiệp kiều bào để rút ngắn thời gian cấp phép.
Thứ hai, phát triển du lịch MICE và hạ tầng ngầm. TP.HCM cần xây dựng trung tâm thương mại, giải trí ngầm liên kết với mạng lưới metro, tạo điểm nhấn mua sắm và tăng sức hút cho du lịch, kinh doanh.
Thứ ba, quy hoạch đô thị thông minh. TP.HCM cần sớm triển khai khu thí điểm đô thị thông minh, áp dụng nền tảng số để quản lý hạ tầng để giải quyết các vấn đề giao thông và môi trường hiệu quả hơn.
Thứ tư, xây dựng nền tảng kết nối kiều bào. TP.HCM cần mở rộng các kênh hội thảo trực tuyến, thiết lập cơ sở dữ liệu chuyên sâu về cộng đồng người Việt ở nước ngoài và tích cực hỗ trợ kiều bào đầu tư.
Để TP.HCM trở thành đô thị hiện đại
Cũng tại sự kiện, ông Trần Hải Linh, kiều bào Hàn Quốc, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc, cho biết TP.HCM đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, với nhiều cơ hội và thách thức. Để đạt được những mục tiêu lớn đó, cần phải kể đến sự đóng góp quan trọng của cộng đồng kiều bào.
"Chúng tôi, kiều bào tại Hàn Quốc nói riêng và khắp thế giới nói chung cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng thành phố trong các lĩnh vực đầu tư, kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ, du lịch, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật… để xây dựng TP.HCM trở thành một đô thị hiện đại, sáng tạo và hội nhập", ông Trần Hải Linh nói.
Phát biểu tại buổi họp mặt, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, nhấn mạnh rằng cộng đồng kiều bào không chỉ đóng góp vào sự phát triển của nước sở tại mà còn thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu văn hóa, giữ gìn và quảng bá bản sắc dân tộc, xây dựng hình ảnh Việt Nam và TP.HCM trên trường quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Trong năm 2024, lượng kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 16 tỉ USD, riêng ở TP.HCM đạt 9,6 tỉ USD, tăng khoảng 140 triệu USD so với năm 2023. Lượng kiều hối về TP.HCM luôn tăng trưởng qua các năm và đây chính là nguồn lực quý giúp thúc đẩy kinh tế TP.HCM phát triển.
Bà Nguyễn Thị Lệ cho hay 2025 là năm đánh dấu những mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, nhất là đạt tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 10%. Qua đó, bà kỳ vọng cộng đồng gần 3 triệu kiều bào có liên hệ với TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc, cùng chung sức với TP.HCM phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển.
Mặt khác, lãnh đạo TP.HCM sẽ thường xuyên gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài để lắng nghe nguyện vọng và đề xuất, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn.