Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào tháng 6, kỳ thi đầu tiên áp dụng theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với nhiều thay đổi, trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, các trường THPT đã tổ chức khảo sát thăm dò việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp của học sinh (HS) lớp 12.
Ông Trần Nghĩa Nhân, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Sài Gòn (Q.7), cho biết năm nay thí sinh sẽ thi 4 môn, ngoài 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn thì các em sẽ chọn 2 môn thi tự chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số. Ngoài ra, năm nay đề thi của chương trình mới, cấu trúc cũng như cách tính điểm bài thi các môn trắc nghiệm cũng hoàn toàn mới nên nhà trường thăm dò bước đầu để nắm bắt tình hình nhu cầu cũng như định hướng chọn môn của HS. Từ đó xây dựng kế hoạch giảng dạy cũng như ôn tập để ngay khi kết thúc thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, khoảng đầu tháng 2 bắt đầu thực hiện.
Nhằm giúp HS có sự lựa chọn 2 môn thi phù hợp để đạt kết quả tốt và có lợi thế nhất khi tham gia xét tuyển ĐH, giáo viên Phạm Lê Thanh, Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11), có những gợi ý. "Trước khi đưa ra quyết định, các em hãy và cần trả lời 3 câu hỏi sau: Ngành học mình yêu thích của các trường ĐH yêu cầu tổ hợp nào?; Điểm mạnh của bản thân: Môn học nào mình tự tin nhất?; Mục tiêu cá nhân: Tiếng Anh hay các môn tổ hợp tự nhiên/xã hội có phù hợp với hướng đi dài hạn?", thầy Thanh nêu cụ thể.
Theo giáo viên Phạm Lê Thanh, HS nên dựa vào kết quả học tập 3 năm lớp 10, 11, 12 để chọn môn học là thế mạnh của bản thân, xây dựng định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Ví dụ: Khối ngành kỹ thuật - công nghệ - khoa học tự nhiên: Chọn tổ hợp lý - hóa - sinh. Học tốt tiếng Anh sẽ là lợi thế khi học các ngành liên quan đến quốc tế. Khối ngành kinh tế - quản lý, ưu tiên toán, tiếng Anh và một môn trong tổ hợp khoa học xã hội. Khối ngành xã hội - nghệ thuật, có thể bổ sung tiếng Anh nếu dự định học ngành ngôn ngữ, du lịch, hoặc truyền thông...
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền nhấn mạnh không nên chọn quá nhiều môn khó cùng lúc vì nếu chọn tổ hợp nhiều môn đòi hỏi tư duy cao, hãy chắc chắn rằng HS đủ sức học đều các môn. Với những HS học lệch, nên chọn môn sở trường và một môn dễ hơn để không bị áp lực. Nhiều trường ĐH và ngành học yêu cầu điểm tiếng Anh cao (hoặc có ưu tiên xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL). Với những HS giỏi tiếng Anh, nên chọn môn này giúp tăng cơ hội đạt điểm xét tuyển cao hơn.
XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU NGHỀ NGHIỆP
Tương tự, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), tư vấn để chọn 2 môn tự chọn thi tốt nghiệp THPT một cách hợp lý, các em cần xem xét nhiều khía cạnh để đảm bảo phù hợp với năng lực, sở thích và mục tiêu cá nhân.
Trước tiên xác định mục tiêu nghề nghiệp và định hướng tương lai qua việc tìm hiểu ngành học các em muốn theo đuổi ở bậc ĐH, CĐ hoặc các chương trình đào tạo khác. Mỗi ngành thường yêu cầu tổ hợp môn xét tuyển cụ thể. Hiện tại các trường ĐH đang xây dựng nhiều tổ hợp môn nhằm đáp ứng nguyện vọng của HS. Kế đến, HS tìm hiểu cơ hội việc làm về lĩnh vực các em muốn chọn nghề nghiệp trong tương lai thông qua các môn học liên quan.
Từ định hướng nghề nghiệp, các em phải đánh giá đúng năng lực học tập của bản thân để chọn môn sở trường, môn các em yêu thích để có khả năng đạt điểm cao, giúp tăng tổng điểm thi tốt nghiệp và giảm áp lực học tập.
Theo ông Phú, nguyên tắc chọn môn thi vẫn phải là những môn mình đam mê, yêu thích. Điều đó sẽ giúp các em dễ dàng tập trung và không cảm thấy áp lực trong quá trình học. Tuy nhiên, đam mê nhưng phải gắn với tổ hợp xét tuyển của trường ĐH và đúng ngành học mình yêu thích.
"Khi chọn môn, các em chú ý đến tính thực tiễn của môn học. Không nên phân biệt môn chính hay môn phụ. Một số môn như tin học, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học có thể áp dụng vào nhiều lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, đời sống", ông Phú phân tích thêm.
Theo vị hiệu trưởng này, thống kê cho thấy tổ hợp môn truyền thống vẫn chiếm ưu thế, có tính định hướng cho việc học tập và nghiên cứu ở bậc ĐH. Các tổ hợp như A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, lý, tiếng Anh), D01 (toán, văn, tiếng Anh), C00 (văn, sử, địa) là những tổ hợp thường được nhiều trường sử dụng để xét tuyển.
Thêm vào đó, ông Phú đề cập đến "thị trường xét tuyển". Theo ông Phú, nhiều năm qua, các trường tốp đầu có điểm xét tuyển rất cao và năm 2025 sẽ không ngoại lệ. Nếu HS chọn môn thi thuộc các tổ hợp xét tuyển vào ngành cạnh tranh cao thì cần đạt điểm xuất sắc để có cơ hội trúng tuyển. "Để đáp ứng nguyện vọng phải có sự đầu tư đúng chuẩn, ngoài việc "tầm sư học đạo" bản thân các em phải tự học và dành thời gian giải đề tham khảo càng nhiều càng tốt. Khi chọn 2 môn, các em tránh chọn môn đòi hỏi quá nhiều thời gian ôn tập, dẫn đến bỏ bê các môn khác. Nói cách khác các em phải biết cân đối thời gian sao cho phù hợp để việc ôn tập đạt hiệu quả cao", ông Phú khuyên.
Bên cạnh đó, hiệu trưởng các trường THPT cũng cho biết sau khi có thống kê thăm dò chọn 2 môn thi tự chọn của HS, nhà trường cần tập trung lực lượng GV có kinh nghiệm ở các môn cụ thể. Tiếp đến rà soát, xếp lớp ôn tập theo đúng tổ hợp môn HS lựa chọn để phục vụ cho một kỳ thi đáp ứng 2 mục tiêu vừa tốt nghiệp vừa xét tuyển vào ĐH.
Mở rộng thêm nhiều phương án khác
Giáo viên Phạm Lê Thanh, Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11), khuyên: HS không nên phụ thuộc duy nhất vào kết quả thi tốt nghiệp THPT mà cần mở rộng các phương án xét tuyển khác để tăng cơ hội, đặc biệt là qua chứng chỉ quốc tế, học bạ hoặc kỳ thi riêng. Có rất nhiều HS chọn phương thức xét tuyển qua điểm thi tốt nghiệp THPT, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt, đặc biệt ở các ngành hấp dẫn như kinh tế, công nghệ thông tin, y khoa. Vì thế, các em cũng nên nghiên cứu và tham gia các kỳ thi riêng của trường: Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, các kỳ thi của ĐH Quốc gia Hà Nội, Bách khoa Hà Nội... để tăng cơ hội vào ĐH dựa vào các hình thức này.