Trường hợp thứ nhất, nam bệnh nhân Đ.C.H (36 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM) hành nghề chạy xe ôm công nghệ.
Bệnh nhân kể, hơn 23 giờ ngày 23.3, anh H. đang dừng xe ở đường Lê Trọng Tấn (Q.Bình Tân) thì bị xe taxi công nghệ tông và cán qua người. Bệnh nhân được người đi đường gọi cấp cứu 115 đưa vào Bệnh viện Thống Nhất.
"Bệnh nhân là xe ôm công nghệ được đưa đến cấp cứu trong tình trạng mạch nhanh, huyết áp thấp, sốc đa chấn thương, mất máu, suy hô hấp đang được bóp bóng qua nội khí quản. Bệnh nhân được đặt nội khí quản thở máy tại khoa Cấp cứu", thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Tuấn, Phó khoa Gây mê - hồi sức, Bệnh viện Thống Nhất thông tin.
Kết quả hội chẩn cho thấy nam xe ôm công nghệ bị vỡ gan, lách, dập phổi. Bệnh nhân được điều trị bảo tồn gan, can thiệp tắc mạch cầm máu lách. Bệnh nhân còn bị gãy xương sườn, xương đòn và được điều trị bảo tồn.
Tuy nhiên, tình trạng dập phổi nặng, xuất huyết phổi, các phế nang tổn thương nặng nề, dù được thở máy nhưng tính mạng nam xe ôm công nghệ bị đe dọa.
"Bệnh viện quyết tâm cứu bệnh nhân trẻ này nên triển khai thực hiện ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể). Nhưng bệnh nhân không có bảo hiểm y tế, nếu chạy ECMO thì rất tốn kém, chi phí có thể lên đến cả tỉ đồng. Bệnh viện vận động các nhà hảo tâm chung sức", bác sĩ Hoàng Tuấn nói.
Sau 7 ngày chạy ECMO, bệnh nhân chuyển qua thở máy 5 - 7 ngày và tiếp tục điều trị nâng đỡ, kháng sinh chống viêm phổi. Bệnh nhân được tập vật lý trị liệu hô hấp. Đến nay, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, xuất viện và có thể tiếp tục công việc. Theo bác sĩ Hoàng Tuấn, viện phí cho nam xe ôm công nghệ là khoảng 1,5 tỉ đồng.
Chị V.T.K.H (vợ bệnh nhân) cho hay, cả 2 vợ chồng đều chạy xe ôm công nghệ. Mỗi ngày, chị H. chạy xe ôm công nghệ vài giờ, rồi về lo cho 2 đứa con. Còn anh H. chạy xe ôm công nghệ từ 8 giờ sáng, đến khuya mới về... Gia cảnh khó khăn nên đến nay, gia đình chị H. chỉ đóng tiền viện phí được 38 triệu đồng, số còn lại bệnh viện lo.
"Chồng tôi chỉ còn vài phần trăm sống nhưng bệnh viện đã cứu được, lại lo cho cả viện phí. Vợ chồng chúng tôi vô cùng biết ơn bệnh viện", chị H. chia sẻ.
Trường hợp thứ hai là nữ sinh M.A (18 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) được bạn chở đi học bằng xe máy điện.
Khi gặp xe máy trong hẻm ra thì người bạn thắng gấp khiến M.A văng vào xe cẩu đang chạy ngược chiều và bị cán qua người. Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất. Bệnh viện đã báo động đỏ, huy động nhân vật lực cứu để bệnh nhân.
"Bệnh nhân bị choáng nặng, huyết áp thấp, tri giác lơ mơ, mất máu, suy hô hấp, dập phổi, vỡ gan và lách, vỡ khung chậu không di lệch. Bệnh nhân được đặt nội khí quản thở máy", TS-BS Nguyễn Duy Tân, Phó khoa Ngoại tim mạch – lồng ngực, Bệnh viện Thống Nhất cho biết.
Ngoài ra, bệnh nhân còn bị trầy da diện tích rộng, kéo dài từ ngực, hông, đùi xuống chân trái.
Bệnh nhân được điều trị bảo tồn gan, lách, dẫn lưu dịch phổi, hút máu xuất huyết dưới da. Theo bác sĩ Tân, bệnh nhân mất tổng cộng hơn 4 lít máu và được truyền bù dịch kịp thời. Sau 1 tháng điều trị, hiện bệnh nhân đã hồi phục, xuất viện và hẹn tái khám.
Theo nhận định của các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất, tình hình tai nạn giao thông những tháng gần đây giảm rõ rệt, việc này là nhờ công tác kiểm tra, xử lý nồng độ cồn được triển khai triệt để. Trước đây, trung bình 1 đêm Bệnh viện Thống Nhất có thể tiếp nhận 5 ca tai nạn giao thông và đa phần bị chấn thương sọ não, chấn thương các chi phải mổ cấp cứu. Nhưng hiện mỗi tuần chỉ tiếp nhận 2 – 5 ca mà chủ yếu là tai nạn giao thông do đi làm, đi học.