Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Văn Thành (42 tuổi, trú tại xã Trực Chính, H.Trực Ninh, Nam Định) rầu rĩ nói: "Mấy ngày qua, gia đình tôi mất ăn mất ngủ để túc trực ngoài đồng, sử dụng nhiều biện pháp như: đắp cao bờ ruộng, dùng máy bơm để ngăn nước vào trong nhưng không thành. Sau gần 1 tuần lúa ngập sâu trong nước, tính đến giờ, nước chỉ rút được khoảng 5 cm, cây vẫn chưa thể ngóc ngọn lên được. Tôi xác định không thể cứu lúa nữa rồi".
Hơn 2 mẫu ruộng (7.200 m2) lúa vụ mùa của gia đình ông Thành gần như không thể cứu vãn. Toàn bộ lúa đã bị thối gốc, cây mềm nhũn không còn đứng vững. Ông Thành xác định năm nay ông để ruộng bỏ hoang, không cấy lại nữa. "Nước ngoài sông Hồng vẫn đang dâng cao, nước trong ruộng cũng chưa rút hẳn, sắp tới, ảnh hưởng của cơn bão số 2 lại một lần nữa khiến nơi này tiếp tục chịu cảnh mưa tầm tã. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, những trận mưa sau bão mới là những ngày mưa kéo dài. Do đó, tôi xác định phải bỏ ruộng hoang vụ mùa năm nay", ông Thành nói.
Tại gia đình anh Trần Văn Tạo (29 tuổi, trú tại xã Nghĩa Thái, H.Nghĩa Hưng, Nam Định), những ngày này mọi người đang rất bận rộn lấy bùn dưới ao để gieo mạ trên sân chờ ngày cấy lại. Anh Tạo nói: "Gia đình tôi cấy hơn 1 mẫu (hơn 3.600 m2) ruộng. Những ngày này tuy nước vẫn chưa rút nhiều, chúng tôi cũng lo bão về nhưng không cấy thì biết lấy gì để ăn? Do đó, dù biết cấy muộn lúa sẽ không hiệu quả nhưng chúng tôi chỉ biết trông chờ vào đồng ruộng mà thôi".
Trước tình trạng lúa ngập úng lâu ngày trong nước, UBND tỉnh Nam Định đã ra công văn chỉ đạo các xã, thị trấn bằng mọi biện pháp khẩn trương tiêu úng cứu lúa; tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại mức độ thiệt hại lúa, màu ở từng vùng, từng cánh đồng để có biện pháp khắc phục và chăm sóc kịp thời, phù hợp; tuyệt đối không để ruộng bỏ hoang.
"Đối với diện tích lúa bị thiệt hại nặng (trên 50%) không có khả năng phục hồi (gốc, thân nhũn, đen) phải khẩn trương tổ chức gieo mạ bổ sung ngay bằng các giống lúa ngắn ngày (Đài thơm 8, Dự hương, TH3-3…) theo phương thức mạ nền đảm bảo cấy xong trước ngày 8.8. Đối với những diện tích lúa bị thiệt hại dưới 50%, còn khả năng hồi phục (rễ trắng, gốc cứng, lá xanh) có thể cấy dặm, cấy dồn bằng mạ dư, mạ dự phòng hoặc tỉa khóm ở những ruộng lúa tốt, ruộng gieo sạ có mật độ dày. Phân công, tăng cường cán bộ về cơ sở trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn công tác khắc phục hậu quả của mưa úng; phối hợp thống kê, tổng hợp diện tích cây trồng bị ngập úng và kết quả khắc phục, báo cáo kịp thời về UBND tỉnh (qua Sở NN-PTNT)", công văn nêu.
Cạnh đó, UBND tỉnh Nam Định đề nghị Sở NN-PTNT tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, chỉ đạo việc làm đất, bón phân; phối hợp với các công ty, doanh nghiệp cung ứng giống lúa đảm bảo đủ số lượng và chất lượng cho người dân để gieo cấy lại; chăm sóc, bảo vệ lúa mùa an toàn, hiệu quả trong khung thời vụ.
Sở NN-PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các đơn vị, cá nhân không tuân thủ các quy định về buôn bán vật tư nông nghiệp, lợi dụng tình hình để bán tăng giá, hàng hóa chất lượng kém.
UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi vận hành tối đa năng lực của công trình được giao quản lý khai thác để tiêu thoát nước ngập úng cho các diện tích lúa đã gieo cấy, đặc biệt là diện tích lúa mới sạ, mới cấy nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân...