Ngồi trên giường bệnh, bà Nguyễn Thị Thanh (70 tuổi, ở Q.12, TP.HCM) với khuôn mặt khắc khổ, đầu tóc bạc trắng. Bà chậm rãi xoa nhẹ bàn tay thâm tím đang cắm ống truyền hóa chất của cháu trai Nguyễn Trần Phú Thịnh (12 tuổi); vừa nhìn vào chiếc điện thoại cũ kỹ để canh giờ kịp xuống nhận cơm từ thiện.
"Ngày hôm đó thế giới của tôi như sụp đổ"
Hồi trước, gia đình Thịnh ở H.Châu Thành (Bến Tre), sau khi ông nội Thịnh mất thì bị người ta lấy lại nhà. Năm 2006, vợ chồng chị Trần Anh Hòa (51 tuổi, mẹ của Thịnh) khăn gói lên TP.HCM làm công nhân. Cộng thêm tiền lương tăng ca, trung bình mỗi người kiếm được hơn 7 triệu đồng/tháng.
Vợ chồng chị Hòa làm công nhân ở xưởng sản xuất bánh (ở Q.Bình Tân, TP.HCM). Mỗi ngày, vợ chồng chị làm việc từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, có khi tăng ca đến 21 giờ đêm, tuỳ vào số lượng đơn hàng.
Mỗi lần xuống ca, vợ chồng chị Hòa lại lật đật chạy vào bệnh viện thăm con. Tâm sự với chúng tôi, chị Hòa nghẹn ngào: “Tôi cũng muốn ở lại bệnh viện chăm con nhưng nghỉ là mất việc, lấy đâu ra tiền cứu con”.
Gia đình chị Hòa thuộc diện khó khăn. Để có tiền nuôi cả gia đình, vợ chồng chị vùi đầu lao động suốt ngày. Thịnh được gửi bà Thanh chăm sóc, nuôi nấng hơn 10 năm qua. Thịnh là con út, trước em còn có anh trai (20 tuổi), cũng làm công nhân. Vì không dư giả nên không phụ ba mẹ nuôi Thịnh.
Cuộc sống tưởng chừng như trôi qua êm đềm; nào ngờ bất hạnh giáng xuống đầu gia đình bà Thanh khi tháng 10.2023, Thịnh bắt đầu có dấu hiệu lạ như nôn ói dữ dội, người xanh xao và không đi vệ sinh được… nên bà Thanh đưa đi bệnh viện để kiểm tra.
Sau khi siêu âm, các bác sĩ nói Thịnh bị đau ruột rồi cấp thuốc cho uống. Trở về nhà, Thịnh cứ ăn, uống xong lại ói nên gia đình lại đưa cháu đi bệnh viện thăm khám. Bác sĩ xác định Thịnh bị tắc đường ruột rồi cho thuốc uống. Uống bao nhiêu liều thuốc nhưng cơn đau bụng, ói mửa của Thịnh không có dấu hiệu thuyên giảm.
Bà Thanh sợ hãi vô cùng. Tháng 1.2024, bà Thanh mang cháu đi Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), với hy vọng có bác sĩ giỏi tìm ra nguyên do căn bệnh của cháu. Chụp CT, bác sĩ thông báo có một khối u to ở gần đại tràng, chưa biết lành tính hay ác tính. Sau đó Thịnh được chuyển tuyến gấp qua Bệnh viện Nhi đồng 2 để mổ sinh thiết và đặt hậu môn nhân tạo.
Sau ca phẫu thuật sinh thiết khối u, các bác sĩ báo tin xấu Thịnh bị ung thư hạch rồi cho Thịnh nhập viện để vào hóa chất chống ung thư. “Ngày hôm đó thế giới của tôi như sụp đổ. Tôi phờ phạc luôn, chưa bao giờ tôi nghĩ bệnh quái ác này lại chọn cháu tôi, tôi không muốn tin là sự thật”, bà Thanh với khuôn mặt đượm buồn, nghẹn ngào kể lại.
Chúng tôi được sự đồng ý của bà Thanh trong việc sử dụng hình ảnh cho bài viết, như là một sự chia sẻ và cổ vũ tinh thần cho gia đình bà vượt qua những tháng ngày gian nan chống chọi bệnh tật nan y.
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi mong bạn đọc có lòng chia sẻ với nhân vật trong cơn ngặt nghèo, có thể liên hệ bà Nguyễn Thị Thanh (bà nội của cháu Nguyễn Trần Phú Thịnh) qua số điện thoại 0707515937.
Số tài khoản Trần Anh Hòa (mẹ của cháu Thịnh) 182432089 - Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) - chi nhánh An Lạc (Q.Bình Tân).
"Chỉ cần chịu đau một chút, thì em có thể sống phải không chị?"
Sau ca phẫu thuật, Thịnh rơi vào tình trạng hôn mê 3 ngày, cơ thể của em đang duy trì sự sống nhờ vô số các thiết bị y tế.
Đến tận bây giờ, bà Thanh vẫn còn ám ảnh. Bà nhớ như in từng âm thanh “tút tít" gấp gáp, nhịp điệu lên xuống phát ra từ các loại máy móc. Bà Thanh túc trực cả ngày lẫn đêm, không còn tâm trí để ăn uống hay ngủ nghỉ nữa mà bà sợ mất cháu. Nhưng rồi bà nắm chặt lấy tay của Thịnh, vuốt ve và gọi tên cháu… Chỉ cầu trời, mong sao có kỳ tích xảy ra.
“Bao nhiêu suy nghĩ hiện trong đầu tôi. Nhưng đều là suy nghĩ nông cạn. Tôi sợ lắm. Tôi sợ cháu mình qua không nổi”, nói với chúng tôi những điều này, khuôn mặt hiền lành của bà Thanh thẫn thờ vì sợ hãi.
Phải chăng, khi người thân chứng kiến cảnh con cháu mình vật lộn với nỗi đau ung thư, lòng họ sẽ cảm thấy se thắt, lạnh lẽo và sợ hãi...
Tiếng thở dài buồn bã, bà Thanh chua chát tâm sự, từ ngày vào bệnh viện chiến đấu với bệnh nan y, Thịnh như một con người khác. Nỗi đau của bệnh tật giằng xé khiến em trở nên cáu gắt, cộc cằn. Nhưng sau khi bình tĩnh lại, Thịnh ôm lấy bà, khóc nức nở rồi thủ thỉ câu xin lỗi: “Con không muốn như vậy đâu, tại con không kiềm chế được. Con rất thương nội, con mong một ngày nào đó con hết bệnh để con lo lắng lại cho nội". Câu nói ngây thơ nhưng hiểu chuyện của cháu đã khiến mọi lo âu trong lòng bà Thanh bỗng chốc tan biến.
Hơn 7 tháng trong cuộc hành trình cùng cháu chống chọi với bệnh hiểm nghèo, bà Thanh nhớ như in khi Thịnh vào toa hóa chất thứ 2. Hóa chất chống ung thư khiến em bị cháy da, cháy thịt; nó vắt kiệt sức sống của Thịnh khiến em bị nhiễm trùng, lở miệng và nôn ra máu. Lúc đó Thịnh chỉ biết rên rỉ, mắt ráo hoảnh. Thịnh phải thở ô xy, những cơn ho khiến em không thể nói được mà chỉ ra hiệu.
Thịnh biết về căn bệnh của mình, nhưng Thịnh không sợ. Những lần lấy tủy đồ, lấy ven, đó là những nỗi đau đến tận xương tủy. Những đứa trẻ khác sẽ khóc nức nở bắt đền hay trốn tránh, nhưng Thịnh lại rất giỏi, em không trốn tránh điều đó. Bởi vì Thịnh khao khát sống, chỉ cần được sống thì những nỗi đau ấy đối với em là chuyện bình thường.
“Em quen rồi nên thấy nó bình thường. Chỉ cần chịu đau một chút, thì em có thể sống phải không chị?”, câu hỏi của Thịnh khiến chúng tôi cũng không kìm được nước mắt.
Trên gương mặt mệt mỏi là vẻ buồn bã và trĩu nặng âu lo, bà Thanh nói điều mà bà ân hận nhất là không được đủ đầy để cho cháu mình được như con cháu người ta. Có lần, nhà trường tổ chức đi du lịch dịp hè ở Bến Tre, vì không có tiền nên bà Thanh không cho cháu tham gia.
“Bây giờ tới lúc cháu bệnh, mình thấy có lỗi quá vì không cho cháu đi đâu hết. Bác sĩ nói khối u của cháu không mổ được, sống được ngày nào hay ngày đó. Có lẽ nỗi ân hận này cuộc đời tôi không thể nào quên”, bà Thanh rơm rớm nước mắt.
Mong ước của người bà
Phòng trọ mà 2 bà cháu nương tựa nhau hơn 10 năm qua rộng chừng 12 m2, giá thuê 1,5 triệu đồng/tháng. Từ ngày Thịnh phát hiện bị ung thư, 2 bà cháu ở bệnh viện. Cứ đều đặn mỗi ngày, bà Thanh lê la quanh một vòng bệnh viện dò hỏi xem có nơi nào phát cơm, cháo để đến xin một suất.
Trong quá trình chữa bệnh, Thịnh được giảm 80% tiền viện phí nằm trong danh mục bảo hiểm y tế. Hiện tại, sức khỏe của Thịnh tạm ổn, em đang trải qua toa hóa chất thứ 6, còn 3 toa nữa Thịnh sẽ được chuyển qua giai đoạn duy trì.
Ngày chúng tôi đến thăm, trong túi bà Thanh còn đúng 1 triệu đồng. Bà Thanh cho hay, số tiền này để dành cho cháu, bà không dám tiêu.
Nói về ước mơ của mình, bà Thanh nghẹn ngào: "Tôi già rồi cũng không muốn ước mơ gì nhiều, chỉ cần cháu sống là đủ. Mong cô và mọi người giúp tôi cứu lấy cháu Thịnh”.
Còn Thịnh chia sẻ thật giản dị về mong ước của bản thân: "Hằng ngày, bà phải vất vả lo cho em. Em mong cho bà đỡ khổ và mong em hết bệnh để đi học rồi sau này lo lắng lại cho bà".
Với những người bình thường, tương lai là những mơ ước sáng rỡ, cao vời. Nhưng những bệnh nhi ung thư và người thân của họ thì chỉ mong chờ những điều giản dị, đơn sơ như vậy...