Trước đó, sáng cùng ngày, qua thống kê của Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, trên các tuyến đảo của địa phương có hơn 3.500 khách du lịch đang lưu trú. Sau khi có thông tin của bão số 2, các địa phương đã vận động, tổ chức đưa người dân và du khách trở về đất liền.
Tại H.Cô Tô, tính đến 17 giờ ngày 22.7, có 796 phương tiện tàu, thuyền lớn nhỏ đang neo đậu, tránh trú. Tổng số du khách hiện có mặt trên địa bàn là 948 khách, trong đó có 9 khách quốc tế.
Do đặc thù ở đảo xa, sẽ chịu sức gió lớn khi bão vào, H.Cô Tô đã bố trí hàng trăm người tham gia các tổ cơ động thường trực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, gồm: xuồng máy, xe ô tô và cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương cùng các ngành liên quan, chủ phương tiện để nắm tình hình…
Còn tại huyện đảo Vân Đồn, tính đến 17 giờ ngày 22.7, đã có 1.526 phương tiện tàu cá của các xã, thị trấn trên địa bàn được kêu gọi và nắm được thông tin để di dời vào các nơi tránh trú an toàn; 618 nhà bè nuôi trồng thủy sản đã được chính quyền các địa phương thông tin và yêu cầu hoàn thành việc gia cố, chằng chống trước 16 giờ ngày 22.7; đồng thời đã chuẩn bị sẵn sàng sơ tán người già, trẻ em lên bờ.
Tại TX.Quảng Yên, có 6.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản; trong đó, nuôi mặn lợ gần 5.500 ha với 219 ô đầm nuôi trồng thủy sản ngoài đê và hơn 800 bè nuôi thủy hải sản trên sông.
Qua rà soát, TX.Quảng Yên có gần 700 lao động thường xuyên có mặt ở ô đầm, bè nuôi thủy sản. Đến thời điểm này, địa phương đã tổ chức các đoàn ra tận nơi sản xuất để kêu gọi, đưa hàng trăm người vào bờ.
Lực lượng chức năng H.Cô Tô thông tin về tình hình bão số 2 tới ngư dân
Đ.X
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, đến thời điểm hiện tại, công tác phòng, chống bão số 2 được triển khai quyết liệt, với sự tham gia của hàng nghìn người.
Tỉnh Quảng Ninh đã lên kịch bản chi tiết trong việc chủ động ứng cứu; tuyên truyền cho người dân chằng, chống nhà cửa và di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao.