Cụ thể, trên địa bàn xã An Minh Bắc hiện có 53 điểm sạt lở với chiều dài hơn 3.200 m; xã Minh Thuận có 21 điểm sạt lở với chiều dài 451 m.
Qua thống kê, từ đầu năm đến nay, H.U Minh Thượng ghi nhận hơn 3.700 m đường sạt lở và có nguy cơ sạt lở, kéo theo một số tài sản của người dân, nhà nước bị ảnh hưởng.
Nắng nóng kéo dài, mực nước dưới kênh xuống thấp, gây sụp lún một số tuyến đê bao thuộc vùng đệm U Minh Thượng. Tại khu vực Kênh 19 (ấp An Thạnh, xã An Minh Bắc), cứ cách vài chục mét lại có những vết nứt trên mặt đường bê tông, lòng kênh cạn khô nước. Cây cầu bắc qua kênh bị gãy sụp, khiến việc đi lại, giao thương, tiêu thụ nông sản của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Huỳnh Thanh Tuấn, Phó trưởng Phòng NN-PTNT H.U Minh Thượng, cho biết huyện đã chỉ đạo các xã và một số ngành chuyên môn chỗ nào sạt lở, sụp lún thì giăng dây cảnh báo đèn cho người dân biết; chỗ nào có nguy cơ rạn nứt thì sơn phết đoạn đường đó để tránh xảy ra tai nạn giao thông.
Theo dự báo, mùa khô năm 2023 - 2024 đến sớm và độ mặn cao hơn trung bình nhiều năm; mưa đến trễ và lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, khả năng thiếu nước ngọt rất cao. Ngay từ đầu năm, H.U Minh Thượng đã chỉ đạo ngành chuyên môn tham mưu ban hành các văn bản: lịch đóng cống, đắp đập ngăn mặn khu vực vùng đệm; các giải pháp phòng chống sạt lở; đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh… Tuy nhiên, diện tích sản xuất rất lớn, nhu cầu sử dụng nước ngọt để tưới tiêu cao làm cho mực nước các trục kênh trong đê bao xuống nhanh, kết hợp nắng nóng kéo dài gây ra tình trạng khô, cạn nước mặt trên các kênh, dẫn đến sạt lở.