Tại hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính mới đây của Q.Phú Nhuận (TP.HCM), trưởng công an một phường nêu câu chuyện oái oăm khi cơ sở cai nghiện Nhị Xuân (H.Hóc Môn, TP.HCM) đòi hỏi giấy xác nhận có dấu đỏ, thay vì khai thác dữ liệu dân cư đã được đồng bộ trên Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Do đó, công an phường phải cử cán bộ liên hệ với địa phương lấy văn bản có đóng dấu thì cơ sở cai nghiện mới đồng ý tiếp nhận, dù nội dung giống hệt nhau.
Vị trưởng công an phường giải thích hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cập nhật liên tục thông tin về thường trú, tạm trú, nơi ở hiện nay, các thông tin về cha, mẹ, con, vợ, chồng… nên công chức có thể khai thác đối chiếu. Thế nhưng nhiều nơi vẫn đòi giấy khai sinh, giấy kết hôn, gây phiền phức cho người dân.
Báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia) của TP.HCM cho thấy đến tháng 2.2024, địa phương này thu nhận gần 7,7 triệu hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip và gần 5,8 triệu tài khoản định danh điện tử mức 2. Ngoài ra, công an cũng phối hợp cấp CCCD cho các nhân khẩu đặc biệt, bao gồm học viên tại trung tâm cai nghiện.
Thông tin tích hợp trên CCCD là nguồn tài nguyên quý giá để các địa phương sử dụng phát triển vào lĩnh vực chuyên ngành. Như tại Q.10, địa phương này nhân rộng mô hình "Ứng dụng tiện ích CCCD hỗ trợ phục vụ công tác quản lý cư trú và phòng chống tội phạm tại chung cư cao tầng", tập trung 37 block chung cư ở 4 phường. Mô hình này chỉ cần một máy tính, một máy quét mã QR với tổng kinh phí chưa tới 15 triệu đồng cho một điểm lắp đặt. Nhờ ứng dụng này, công an phường phát hiện hơn 2.300 trường hợp chưa khai báo cư trú, đồng thời ghi nhận một số trường hợp người ra tù, người có tiền án, đối tượng quản lý nghiệp vụ để đưa vào sổ quản lý.
Ngoài ra, TP.HCM cũng cập nhật số CCCD, điện thoại di động, nơi ở hiện nay của cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia. Thông tin hội viên các đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ, đối tượng bảo trợ xã hội, gia đình chính sách… cũng được đồng bộ, làm sạch dữ liệu phục vụ công tác chuyên ngành.
CÁC MÔ HÌNH CŨ CÓ BỊ LÃNG QUÊN ?
Ở trung tâm TP.HCM, Q.1 tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động hành chính. Ông Lê Tiến Sĩ, Chánh văn phòng UBND Q.1, cho biết mô hình "Tiếp nhận hồ sơ không giấy" kết hợp giải pháp định danh điện tử giúp người dân giảm thao tác nhập thông tin trên tờ khai điện tử. Theo đó, hệ thống nhận diện các trường thông tin trên tập tin đính kèm hình ảnh CCCD vừa giúp người dân bớt nhập sai thông tin, vừa giúp cán bộ thụ lý kiểm tra nhanh hơn. Giải pháp này giúp việc nộp hồ sơ trực tuyến từ 5 phút xuống còn 1 - 2 phút; giảm tỷ lệ hủy hồ sơ tiếp nhận do nhập sai thông tin số CCCD; thành phần hồ sơ được số hóa, dữ liệu được tái sử dụng.
Trong khi đó, mô hình "Cấp giấy phép điện tử" ứng dụng chữ ký số cá nhân, chứng thư số cơ quan do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp để thực hiện ký số vào kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Ngoài rút ngắn thời gian giải quyết, giải pháp cấp giấy phép điện tử giúp người dân giảm chi phí cho việc lưu trữ, hạn chế rủi ro làm mất, làm hư hỏng giấy phép. Ông Sĩ cho biết các giải pháp, mô hình đều hướng đến người dân, tạo tiện ích, tăng tiện lợi, giảm thời gian giải quyết hồ sơ, nâng cao chất lượng phục vụ.
Khi thực hiện đề án đô thị thông minh tại TP.HCM, có một thời "trăm hoa đua nở", địa phương nào để dành được kinh phí thì thuê đơn vị xây dựng phần mềm theo nhu cầu thực tiễn của địa phương. Đến nay, theo yêu cầu chung của Chính phủ và UBND TP.HCM về tập trung đầu mối vận hành thống nhất thì những phần mềm cũ không còn phù hợp.
Chánh văn phòng UBND Q.1 cho biết quận sẵn sàng cung cấp nguồn dữ liệu về công tác quản lý thủ tục hành chính mà địa phương phát triển từ những năm đầu ứng dụng công nghệ thông tin đến nay để cơ quan cấp trên cập nhật vào kho dữ liệu dùng chung. Ông Sĩ kiến nghị duy trì kết nối đồng bộ dữ liệu chuyên ngành với Cổng dịch vụ công quốc gia và Nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của TP.HCM. Việc này sẽ tạo điều kiện cho Q.1 đồng bộ dữ liệu vào hệ thống chuyên ngành phục vụ nghiên cứu, ứng dụng các mô hình, giải pháp trên Cổng dịch vụ công của quận, phường được tiếp tục triển khai sử dụng để giảm thời gian xử lý hồ sơ.
ỨNG DỤNG AI VÀO HOẠT ĐỘNG HÀNH CHÍNH
Trao đổi tại nhiều hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhắc nhiều đến mục tiêu cuối năm 2025 cơ bản hoạt động hành chính của TP.HCM thực hiện trên nền tảng số. Để đạt mục tiêu này, trong năm nay phải đưa các thủ tục hành chính lên nền tảng số, giải quyết hồ sơ bằng chữ ký số, thanh toán trực tuyến, hoàn thiện thể chế. Ông Mãi yêu cầu từng sở ngành, địa phương chủ động rà soát, đơn giản hóa thủ tục, tái cấu trúc quy trình nội bộ, số hóa hồ sơ, đồng bộ dữ liệu, công khai danh mục kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Hiện Sở Nội vụ đang được giao nghiên cứu phương án hợp nhất 3 ban chỉ đạo về cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06. Ông Mãi cho biết TP.HCM sẽ tích hợp kết quả của chương trình chuyển đổi số, Đề án 06 vào hoạt động cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động hành chính. Ngoài trợ lý ảo cho HĐND TP.HCM và các ban chuyên trách của HĐND, ông Mãi đặt hàng Sở TT-TT nghiên cứu mở rộng phạm vi áp dụng.
Lãnh đạo TP.HCM dẫn chứng các tập đoàn đa quốc gia dùng AI rất thành công, giúp giảm chi phí, giảm công việc, quản lý hiệu quả, cảnh báo rủi ro. Do đó, TP.HCM phải nắm bắt xu hướng này, tăng cường ứng dụng công nghệ, nghiên cứu AI trong hoạt động hành chính. Ông Mãi cũng lưu ý tránh tình trạng nhiều ứng dụng như "trăm hoa đua nở", đến khi cần tích hợp lại thì không làm được, gây ra lãng phí, không hiệu quả.
Liên quan đến việc số hóa hồ sơ, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng cần đầu tư đầy đủ thiết bị để số hóa thành phần hồ sơ tiếp nhận và kết quả giải quyết. Đối với tài liệu lưu trữ thời gian trước đây cần chia theo lộ trình, xác định danh mục tài liệu cần ưu tiên. (còn tiếp)
Bản sao điện tử: Làm một lần, dùng nhiều lần
Từ tháng 9.2023, Q.Phú Nhuận chủ động triển khai thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia và đến tháng 11.2023 bắt đầu thử nghiệm trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM.
Bà Trần Ngọc Thảo, Trưởng phòng Tư pháp Q.Phú Nhuận, cho biết Phòng Tư pháp và UBND 13 phường đề xuất quận mua sắm máy scan để tạo bản sao điện tử, trang bị hạ tầng internet, đăng ký chữ ký số, con dấu số của cơ quan, địa phương trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ tháng 9.2023 đến nay, toàn quận thực hiện 373 hồ sơ, trong đó Phòng Tư pháp xử lý 67 hồ sơ còn 13 phường xử lý 306 hồ sơ. Việc chứng thực bản sao điện tử giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí. Hiện tại bản sao điện tử không quy định thời hạn sử dụng nên người dân có thể sử dụng một bản sao điện tử cho nhiều lần khi làm hồ sơ.
Sở Tư pháp TP.HCM cho biết hiện các đơn vị đang đánh giá mô hình thử nghiệm của Q.Phú Nhuận để báo cáo UBND TP.HCM nhân rộng ra toàn địa bàn. Khi mở rộng xuống phường, xã, thị trấn cần phải trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là máy scan, máy đọc mã vạch dành riêng cho bộ phận chứng thực bản sao điện tử.