Trước tình trạng đó, UBND H.Đăk Glei đã triển khai nhiều dự án bố trí, sắp xếp dân cư theo phê duyệt của UBND tỉnh Kon Tum với tổng mức đầu tư 145 tỉ đồng. Dự án nhằm di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi vùng sạt lở, lũ quét; giúp người dân ổn định đời sống và sinh hoạt; đồng thời đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật nông thôn.
Nằm trong dự án này có khu tái định cư (TĐC) tại thôn Măng Rao (xã Đăk Pek, H.Đăk Glei) với 64 căn nhà trên tổng diện tích 2,4 ha. Năm 2012, khu TĐC hoàn thành, tổng mức đầu tư hơn 16,8 tỉ đồng. Ban đầu, có 10 hộ dân đồng ý di dời đến khu TĐC. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi dọn đến ở, toàn bộ những hộ dân này liền quay về nơi ở cũ.
Những hộ dân nằm trong diện di dời đến khu TĐC Măng Rao chủ yếu ở thôn Đăk Đoát (xã Đăk Pek). Sau khi đến khu TĐC, họ phát hiện tình trạng thiếu nước sinh hoạt, thiếu điện nên phải quay trở về làng cũ. Không những vậy, nương rẫy của người dân đều ở làng cũ, cách nơi ở mới gần 10 km nên rất khó khăn trong quá trình đi lại, canh tác. Vì vậy, người dân quay trở về làng cũ để thuận tiện chăm sóc nương rẫy, nơi đây lại đủ điện, nước phục vụ sinh hoạt.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đến nay sau 12 năm triển khai thực hiện, khu TĐC Măng Rao đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Hiện chỉ có 1 hộ dân sinh sống tại đây. Phần lớn các căn nhà đều không còn cửa và mái che. Bồn chứa nước bị đập phá móp méo, hư hỏng, ống dẫn nước hoen gỉ. Cây cỏ phủ kín khiến khu TĐC trở nên hoang vắng.
Ông Phạm Khắc Nghĩa, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Pek, cho biết để tránh lãng phí, xã đã có đề xuất lên UBND huyện xem xét, thống nhất chủ trương mở rộng đối tượng được bố trí quỹ đất tại khu TĐC như: các hộ thuộc diện nghèo; các hộ dân tộc thiểu số khó khăn; các hộ bị sạt lở, nằm trong khu vực không an toàn.
"Mục đích là tạo ra một cộng đồng dân cư sinh sống. Qua đó, thúc đẩy những hộ dân đã từng di dời quay trở lại an cư, lạc nghiệp. Đồng thời, xã cũng đang tìm cách thu hút những người trẻ, không phụ thuộc vào hình thức sản xuất nương rẫy, chuyển đến sinh sống tại khu TĐC Măng Rao", ông Nghĩa cho biết thêm.
Còn ông Rơ Châm Định, Phó chủ tịch UBND H.Đăk Glei, cho biết huyện đang xin ý kiến của UBND tỉnh về mở rộng đối tượng để bố trí thêm quỹ đất tại khu TĐC Măng Rao. Bên cạnh đó, huyện cũng xin hỗ trợ thêm kinh phí để những hộ dân này có thể sớm xây nhà, chuyển đến sinh sống. "Huyện cố gắng thuyết phục, vận động người dân đã di dời quay trở lại khu TĐC để sinh sống, đảm bảo an toàn", ông Định nói. (còn tiếp)
Người dân ý kiến ngay từ đầu
Theo người dân địa phương, ngay từ khi tổ chức họp lấy ý kiến, người dân đã không đồng ý xây dựng khu TĐC ở thôn Măng Rao, đề nghị chọn khu vực đồi Đăk Bang ở trong thôn Đăk Đoát để đi làm rẫy cho gần. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã không thống nhất mà chọn địa điểm tại thôn Măng Rao.
Theo ông A Thập, Trưởng thôn Đăk Đoát, khu TĐC cách làng cũ khoảng hơn 8 km và cách nương rẫy ở làng cũ hàng chục km. Chính vì việc phải đi làm xa nên đa phần người dân không đến khu tái định cư để sinh sống. Việc khu TĐC được xây dựng khang trang nhưng không có người ở khiến những căn nhà bị xuống cấp, hư hỏng đã gây lãng phí. Dự án cũng không đạt được mục tiêu đặt ra là giúp người dân ổn định đời sống và sinh hoạt.
Báo cáo KT-XH của UBND xã Đăk Pek cho biết, trong năm 2023 địa phương này thu ngân sách hơn 10 tỉ đồng, chi ngân sách đạt 7,1 tỉ đồng. Tính bình quân từ con số này, phải mất khoảng 5 năm thì thặng dư ngân sách trên địa bàn mới bằng số tiền đầu tư khu TĐC.