”Hốt bạc” từ những mùa hoa

14:56 - 25/03/2024

Lễ hội hoa lê, hoa đỗ quyên, hoa sơn tra… được nhiều địa phương các tỉnh phía bắc tổ chức sau tết Nguyên đán hàng năm đã tạo đòn bẩy thu hút khách du lịch, giúp người dân có thêm nhiều nguồn thu nhập từ các dịch vụ 'ăn theo'.

Homestay "cháy phòng", nhà vườn thu bộn tiền

Anh Tráng Seo Xà, chủ vườn lê, mận rộng 2,5 ha ở xã Quan Hồ Thẩn (H.Si Ma Cai, Lào Cai), cho biết 2024 là năm thứ 3 UBND xã Quan Hồ Thẩn tổ chức lễ hội hoa lê kết hợp với chương trình biểu diễn văn nghệ, giới thiệu các trò chơi, lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Hoa sơn tra ở bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, H.Mường La, Sơn La thu hút rất nhiều khách du lịch

Diễn ra từ ngày 2 - 8.3, mỗi ngày xã vùng cao này đón cả nghìn khách du lịch đến vui chơi, chụp ảnh. Đặc biệt, vào 2 ngày cuối tuần, lượng khách tăng gấp nhiều lần so với ngày thường…, giúp các hộ trồng lê có nguồn thu nhập đáng kể từ khoản thu phí thăm vườn, chụp ảnh.

"Trong thời gian diễn ra lễ hội, các nhà vườn thống nhất thu vé 20.000 đồng/người. Chỉ 1 tuần đón khách, gia đình tôi thu được 30 triệu đồng. Cũng nhờ lễ hội hoa lê, nhiều gia đình khác có thu nhập tăng thêm nhờ bán nông sản khô, mở dịch vụ ăn uống, chạy xe ôm đưa đón khách đi chơi", anh Xà nói.

Anh Xà thông tin thêm, mục tiêu của địa phương khi tổ chức lễ hội hoa lê là thu hút khách du lịch để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ nông sản cho nhân dân địa phương. Sau mỗi mùa lễ hoa có rất đông khách du lịch quay trở lại trải nghiệm hái lê, giúp người dân tranh thủ bán tại vườn được số lượng lớn các loại trái cây, như lê, mận và các loại rau củ khác.

Tối 9.3 vừa qua, lần đầu tiên UBND H.Mường La (tỉnh Sơn La) tổ chức lễ hội hoa sơn tra (tên gọi khác là táo mèo), với tâm điểm tổ chức xã Ngọc Chiến, nơi có "rừng sơn tra lớn nhất Việt Nam".

Theo ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng phòng Văn hóa thông tin H.Mường La, trong 2 ngày 9 - 10.3, xã Ngọc Chiến đón khoảng 10.000 lượt khách đến vui chơi lễ hội, khiến toàn bộ 30 homestay ở địa phương và nhiều nhà nghỉ, khách sạn ở trung tâm H.Mường La không còn phòng trống. Đến giờ ăn, các nhà hàng đông kín khách.

"Trong 10.000 khách, có khoảng 4.000 người lưu trú qua đêm, còn lại đi chơi trong ngày. Chúng tôi chỉ tính mỗi du khách đến với lễ hội chi tiêu 320.000 đồng/người cho ăn uống, ngủ nghỉ, xe ôm lên bản thì trong 2 ngày, tổng chi tiêu cho các dịch vụ lên tới 3,2 tỉ đồng. Đây là lợi ích trực tiếp, giúp người dân được hưởng từ các dịch vụ, chưa tính đến lợi ích về truyền thông, quảng bá du lịch trên các mạng xã hội từ chính du khách tham gia lễ hội", ông Sáng nhìn nhận.

"Đòn bẩy" phát triển du lịch xanh

Tại TT.Tam Đảo (H.Tam Đảo, Vĩnh Phúc) năm nay cũng tổ chức lễ hội hoa đỗ quyên từ ngày 1 - 24.3. Đỗ quyên là loài hoa mọc trong tự nhiên, một vài năm đã được người dân, chính quyền các địa phương trồng làm cảnh để khai thác du lịch.

Hoa sơn tra ở bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, H.Mường La, Sơn La

Ông Đặng Hoàng Lâm, Bí thư Đảng ủy TT.Tam Đảo, cho biết chỉ trong 2 ngày cuối tuần sau lễ khai mạc, đã có 30.000 khách đến Tam Đảo, các ngày còn lại trong tuần đón từ 10.000 - 15.000 lượt khách, cao gấp đôi so với thời điểm không có lễ hội.

Từ tháng 2.2023, Đảng ủy TT.Tam Đảo ban hành và triển khai nghị quyết xây dựng Tam Đảo thành "thị trấn hoa". Địa phương vận động người dân, các doanh nghiệp, nhà hàng khách sạn trồng mới hoa đỗ quyên, hoa cẩm tú cầu, hoa chuông, hoa cúc thân gỗ... trên diện tích đất lưu không, khuôn viên tường rào để làm đẹp cảnh quan.

"Cuộc vận động xây dựng được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Chúng tôi sẽ duy trì tổ chức lễ hội đỗ quyên hàng năm, kết hợp với các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, giới thiệu các sản phẩm đặc sản của địa phương đến với du khách và coi đây là sản phẩm tiêu biểu trong phát triển du lịch sinh thái, khai thác vẻ đẹp thiên nhiên ở địa phương", ông Lâm nói.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai, chia sẻ các lễ hội hoa mận, hoa lê do chính quyền địa phương ở các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương tổ chức với quy mô nhỏ nhưng thu hút được lượng rất lớn khách, góp phần phát triển du lịch sinh thái, tạo thêm sinh kế cho người dân. Đặc biệt, 3 huyện này đang có những vùng nguyên liệu trồng cây ăn quả, là điều kiện thuận lợi để khai thác du lịch theo 2 mùa: mùa hoa và mùa thu hoạch quả chín.

Vẫn theo ông Hà Văn Thắng, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành đề án, kế hoạch phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch xanh. Trong đó, H.Bắc Hà đã triển khai du lịch xanh 4 mùa: mùa xuân gắn với lễ hội hoa lê, hoa mận; mùa hè là lễ hội đua ngựa và mùa thu hoạch quả chín; mùa thu gắn với mùa lúa chín; mùa đông gắn với thu hoạch các sản phẩm trái cây, nông sản phục vụ tết Nguyên đán.

"Ngành du lịch và nông nghiệp Lào Cai đang nghiên cứu để phát triển thành các chuỗi sản phẩm thực sự hấp dẫn du khách, khai thác tốt nhất vùng nguyên liệu cây, hoa ở các địa phương. Đây cũng là đòn bẩy để gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm nông nghiệp", ông Thắng nói.

Còn ở H.Mường La, ông Nguyễn Văn Sáng bày tỏ sự bất ngờ khi hoa sơn tra có sức thu hút, hấp dẫn khách du lịch đến địa phương đông vui như thế.

"Chúng tôi kỳ vọng tháng 9 - 10, du khách sẽ quay trở lại tận hưởng vẻ đẹp trong mùa quả chín, giúp bà con tiêu thụ nông sản. Lễ hội hoa sơn tra thành công cũng là chỉ dấu để địa phương mở rộng khai thác, phát triển du lịch sinh thái ở nhiều địa phương khác", ông Sáng hào hứng nói.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Công công xuất cung - SCTV9

Không gian lạ - SCTV9

 

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...