Công trình hồ Soài Chek (xã Núi Tô, H.Tri Tôn) thuộc chương trình "Ứng phó với biến đổi khí hậu" (SP-RCC), được xây dựng năm 2014 và hoàn thành, bàn giao cho H.Tri Tôn vào tháng 6.2016. Đây là công trình thủy lợi cấp 4, diện tích 50,9 ha, tổng mức đầu tư hơn 119 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành, hồ có dung tích 293.000 m3 nước.
Đến tháng 11.2018, UBND tỉnh An Giang phê duyệt dự án (DA) nâng cấp sức chứa hồ Soài Chek (xã Núi Tô) và hồ Ô Thum (xã Ô Lâm, H.Tri Tôn) theo hình thức xã hội hóa. Với DA nâng cấp hồ Soài Chek, khu vực nạo vét thu hồi khoáng sản 22,4 ha, tổng mức đầu tư hơn 13,2 tỉ đồng. Theo đó, Công ty TNHH thương mại - xuất nhập khẩu Hải Đến (Công ty Hải Đến, trụ sở tại An Giang) được cấp quyền khai thác với trữ lượng 400.283 m3 khoáng sản, giá khai thác 72.600 đồng/m3. Đến nay, một lượng lớn cát và cao lanh trong lòng hồ Soài Chek đã được khai thác mang đi nơi khác nhưng hồ vẫn cạn nước.
Hồ Ô Thum được đầu tư xây dựng để chứa 270.000 m3 nước. Từ năm 2018 đến nay, lòng hồ được đầu tư hơn 13,5 tỉ đồng để cải tạo, nâng công suất chứa nước. Tuy nhiên, hồ trở thành địa điểm nạo vét cát và cao lanh, nhiều nơi trong hồ thành ao tù, nước đọng, nhiều khu vực lồi lõm.
Qua tìm hiểu, hồ Ô Thum được giao cho Công ty TNHH thương mại - dịch vụ khai thác khoáng sản An Bình (Công ty An Bình) nạo vét khoáng sản, nâng công suất chứa nước cho hồ. Theo đó, tổng trữ lượng khoáng sản Công ty An Bình khai thác là 371.962 m3, bao gồm trữ lượng cát 260.373 m3, trữ lượng đất 111.589 m3. Giá nộp tiền đối với cát là 112.500 đồng/m3, với đất là 84.700 đồng/m3.
Theo Phòng NN-PTNT H.Tri Tôn, việc triển khai DA xây dựng hồ Soài Chek có ảnh hưởng đến việc sản xuất, canh tác 320 ha xung quanh khu vực; đối với hồ Ô Thum ảnh hưởng 400 ha đất xung quanh hồ.
Tỉnh chỉ đạo dừng thi công, chờ kiểm tra
Việc hai hồ trên không tích được nước tưới tiêu phục vụ sản xuất gây ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của rất nhiều hộ dân. Để ngăn chặn việc các đoàn xe của đơn vị thi công chở cát ra ngoài, cơ quan chức năng đã lắp đặt camera và cử người canh giữ 24/24 tại khu vực hai hồ.
Ông Nguyễn Minh Đẳng, Phó giám đốc Ban Quản lý DA khu vực H.Tri Tôn, cho biết thời gian thu hồi khoáng sản hồ Soài Chek và hồ Ô Thum là hai năm (tháng 12.2018 - 12.2020). Đối với hồ Soài Chek, Công ty Hải Đến nạo vét từ ngày 2.3.2019 - 26.9.2021 thì tạm ngừng. Công ty này đã nạo vét được 220.480 m3 (gần 56% so tổng khối lượng được cấp phép), đến đầu tháng 4.2024 vẫn còn 38.798 m3 cát và 6.500 m3 cao lanh khai thác xong, nhưng còn tập kết tại bãi công trình.
Với hồ Ô Thum, đến nay qua khai thác vẫn còn 6.000 m3 cát và 40.000 m3 cao lanh do Công ty An Bình khai thác vẫn còn ở bãi tập kết.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Văn, Trưởng phòng NN-PTNT H.Tri Tôn, cho biết: "Quan điểm của huyện là yêu cầu doanh nghiệp phải thi công hoàn thành công trình và tích nước trong mùa mưa tới, thi công hoàn trả lại các đường quanh hồ".
Qua kiểm tra vào tháng 10.2023, UBND tỉnh An Giang kết luận các đơn vị thi công DA chỉ chú trọng tận thu vật liệu nạo vét, chưa quan tâm việc khắc phục các tồn tại trong quá trình nạo vét. UBND tỉnh thống nhất không cho chủ trương gia hạn thời gian tiếp tục nạo vét hai DA trên; không cho đơn vị thi công tiếp tục vận chuyển vật liệu nạo vét ra khỏi khu vực hồ. Yêu cầu UBND H.Tri Tôn chịu trách nhiệm khắc phục những tồn tại như: cải tạo lòng hồ, duy tu đường vận hành và đập nhằm đảm bảo việc vận hành tích nước và khai thác nước trong hồ phục vụ sản xuất theo phương án kỹ thuật được phê duyệt.