Ngày 17.4, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Thiện Trúc, Phó giám đốc Sở GTVT Long An, cho biết tính từ 23.3 đến nay, Sở GTVT Long An đã nợ của người học 2.319 GPLX gồm các loại A2, B2, C…
"Những năm trước, chúng tôi cần bao nhiêu phôi bằng GPLX thì chỉ cần đặt hàng cho doanh nghiệp là sẽ có được trong tuần, thậm chí trong ngày. Nhưng năm nay áp dụng luật Đấu thầu mới nên phải theo quy trình. Hơn tháng qua, Sở GTVT Long An hết phôi bằng lái và đang chờ UBND tỉnh Long An phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Dự kiến, cuối tháng 5 tới, Sở GTVT Long An sẽ có lại phôi bằng để cấp GPLX cho người học. Trong thời gian này, chúng tôi vẫn nhận các hồ sơ đủ điều kiện, sát hạch như bình thường và sẽ cấp GPLX ngay khi có phôi bằng", ông Trúc cho biết.
Thực trạng tương tự cũng đang xảy ra tại Tiền Giang. Theo ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, sở này đang thiếu GPLX của hơn 10.000 người học đủ điều kiện cấp GPLX. Sở đang chờ UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt kế hoạch đấu thầu mực in, giấy… để có phôi bằng cấp GPLX cho người học đã đủ điều kiện.
Tại Bến Tre không xảy ra tình trạng thiếu phôi bằng, nhưng từ đầu năm 2024 đến nay, Sở GTVT tỉnh này không tiến hành sát hạch GPLX cho các học viên.
Chờ hơn 2 tháng vẫn chưa có GPLX
Bức xúc trước việc phải chờ hơn 2 tháng mà vẫn chưa có GPLX, bạn đọc (BĐ) Long Van cho biết: "Tôi đã học, đã thi và đạt yêu cầu nhưng đến nay vẫn chưa được cấp GPLX, chỉ nghe nói là "hết phôi", "chờ đấu thấu"… Mong là sớm có thôi, chứ thi đỗ rồi, có xe mà không dám chạy vì sợ bị phạt".
Cùng ý kiến, BĐ Tam Nguyen Thanh cho biết thêm: "Khổ nhất là những người đang rất cần GPLX để mưu sinh: làm tài xế chạy taxi, chạy xe công nghệ hoặc xe tải nhỏ… Không có GPLX trong túi, ai dám leo lên xe mà chạy? Bị phạt thì không có tiền mà nộp". BĐ Trịnh Cường cũng chia sẻ: "Việc người dân bức xúc có lẽ thông cảm được, nhất là những người có nhu cầu xin việc làm hay di chuyển để đi làm, công việc... Lỗi không phải của người dân".
BĐ Thai Son than: "Bạn có thể hình dung thế này, rất nhiều người bỏ bao công sức để thi và thi đậu để lấy bằng, rồi một người hoặc một nhóm nhỏ người có trách nhiệm lo cái phôi nhưng không lo xong, toàn bộ mấy người kia "bó tay" chờ...".
Cơ quan chức năng phải chủ động, có trách nhiệm
"Tôi không hiểu quy trình, phôi, luật Đấu thầu… như thế nào. Nhưng các vị có trách nhiệm thì phải hiểu rõ chứ? Lẽ ra các vị phải chuyên nghiệp hơn, biết dự báo, tính toán trước, chủ động mọi thứ để không xảy ra việc nợ GPLX, khiến nhiều người bức xúc. Nay để xảy ra sự việc như vậy thì ai là người chịu trách nhiệm?", BĐ Minhlong BT đặt câu hỏi. BĐ Huỳnh Thắng thắc mắc: "Nếu làm đúng quy trình thì tốt, nhưng luôn phải có kế hoạch chứ sao đến khi hết mới bắt đầu đi mua?".
Cùng bức xúc, BĐ The An lưu ý: "Tôi biết chắc chắn một điều là lỗi không phải ở người học, nhưng bây giờ họ là những người bị thiệt thòi nhất. Do vậy, những người có trách nhiệm cần cố gắng hết sức, làm nhanh nhất có thể để giải quyết cấp GPLX cho người học, đừng để họ chờ đợi nữa".
"Công ty tôi là một công ty có vốn nước ngoài ở Đồng Nai, nếu xảy ra trường hợp giống như vậy, thì ngay lập tức một trưởng phòng và phó giám đốc phụ trách mảng ấy bị cho thôi việc ngay! Trách nhiệm rất rõ ràng, không có lý do này nọ gì hết, không hoàn thành nhiệm vụ thì phải "ra đi". Rất đơn giản và rất chuyên nghiệp", BĐ Hoai Do Nguyen ý kiến.