Dự án thủy điện Khe Choang do Công ty CP đầu tư và phát triển MECO làm chủ đầu tư, được phê duyệt mức vốn đầu tư ban đầu là 74,5 tỉ đồng, công suất lắp máy là 2,1 MW, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2012.
Sau khi khởi công năm 2009, tiến hành xây dựng một số hạng mục, dự án tạm dừng và đến cuối năm 2017 mới được tái khởi động. Tuy nhiên, từ đó đến năm 2021, chủ đầu tư đã 3 lần xin điều chỉnh tiến độ thi công và điều chỉnh tổng mức đầu tư. Trong lần điều chỉnh cuối cùng, dự án được nâng tổng mức đầu tư lên 145 tỉ đồng, tiến độ thực hiện được gia hạn đến tháng 8.2022 sẽ vận hành và phát điện.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, để thực hiện dự án này, năm 2009, UBND H.Con Cuông đã thu hồi hơn 38 ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp của người dân và đất 5% (đất công ích) của UBND xã Châu Khê.
Đến nay, chủ đầu tư mới hoàn thành việc bồi thường diện tích khu vực cụm đầu mối công trình của dự án với diện tích khoảng hơn 2,3 ha và hoàn thành cơ bản công tác đền bù cây cối hoa màu, vật kiến trúc cho các hộ dân bị ảnh hưởng tại khu vực lòng hồ thủy điện. Phần đất nông nghiệp và lâm nghiệp bị ảnh hưởng vẫn chưa được đền bù.
Dở dang nhiều năm, mới đây, chủ đầu tư dự án thủy điện Khe Choang lại tiếp tục có hồ sơ xin điều chỉnh dự án, đề nghị điều chỉnh tiến độ thực hiện vận hành, phát điện lên điện lưới quốc gia vào tháng 6.2024. Đề nghị này chưa được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận mà đang chờ ý kiến tham mưu của các sở, ngành liên quan.
Mỏi mòn chờ điện lưới
Phía thượng nguồn khe Choang có 2 bản và 1 cụm dân cư với hơn 400 hộ dân sinh sống, hầu hết là hộ nghèo, cận nghèo. 2 bản và cụm dân cư này cách trung tâm xã khoảng 15 km, đường đi rất khó khăn, điện lưới cũng chưa kéo đến được.
Theo thiết kế, khi thủy điện Khe Choang tích nước, khoảng 6 km đường nối từ trung tâm xã Châu Khê với khu dân cư ở thượng nguồn khe Choang sẽ bị ngập. Theo chủ trương ban đầu, sau khi tích nước, chủ đầu tư dự án phải mở một trục đường khác để phục vụ dân sinh.
Dự án đang dở kéo dài, đường mới chưa được mở, đường cũ đã xuống cấp nhưng chính quyền địa phương không dám đầu tư kinh phí để sửa chữa, vì sợ làm xong đường, thủy điện tích nước sẽ gây lãng phí. Lý do này khiến nhiều năm qua, người dân vẫn phải đi lại trên con đường gồ ghề dốc đá; hơn 400 hộ dân cũng vẫn trong tình cảnh chưa có điện lưới để sử dụng, dù phía trong bản, cột điện đã được dựng sẵn.
Ông Lô Văn Minh, một người dân bản Khe Nà (xã Châu Khê), cho biết bản nằm cách xa trung tâm xã, đường đi lại khó khăn nên muốn phát triển kinh tế gia đình cũng rất khó. Người dân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền và cơ quan chức năng yêu cầu chủ đầu tư thủy điện sớm hoàn thành dự án để mở đường mới, kéo điện lưới cho người dân sử dụng, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Ông Kha Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Châu Khê, cũng cho hay dự án thủy điện này kéo dài quá lâu khiến việc đầu tư hạ tầng gặp khó khăn. Dù đã có nguồn vốn đầu tư nhưng không thể làm đường nhựa vào 2 bản này. “Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư sớm hoàn thiện công trình để người dân ổn định cuộc sống, đồng thời các ban, ngành liên quan sớm đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân, nhưng đến nay vẫn dang dở”, ông Thương nói.
Liên quan tới dự án thủy điện Khe Choang, mới đây qua rà soát, kiểm tra, cơ quan chức năng H.Con Cuông còn phát hiện chủ đầu tư dự án vẫn chưa hoàn thành các thủ tục thuê đất theo quy định, vi phạm pháp luật về đất đai.
Ngày 16.8, UBND H.Con Cuông đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng đối với chủ đầu tư thủy điện với hành vi chiếm đất (sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định của pháp luật).
Ngoài ra, theo quy hoạch được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt vào năm 2008, thủy điện Khe Choang chỉ được phê duyệt với công suất lắp máy 2,1 MW. Tuy nhiên, trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, dự án này lại có quy mô công suất lắp máy là 4 MW. Các hạng mục đập thủy điện cũng đang được xây dựng với quy mô 4 MW.
Sở Công thương tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi các sở, ngành liên quan và UBND H.Con Cuông đề nghị phối hợp làm rõ vấn đề này. Công văn của Sở Công thương tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Sở TN-MT tỉnh Nghệ An làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của tổ chức, cá nhân có liên quan và vi phạm của chủ đầu tư đối với lĩnh vực đất đai.