Lúc 19 giờ ngày 22.7, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 20,4 độ vĩ bắc - 108,2 độ kinh đông, trên vùng biển phía bắc vịnh Bắc bộ, cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 130 km về phía đông đông nam. Bão mạnh cấp 10 (89 - 102 km/giờ), giật cấp 13, di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 10 km. Đến 7 giờ ngày 23.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,2 độ vĩ bắc - 107,7 độ kinh đông; trên vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng. Bão có gió mạnh cấp 8 - cấp 9, giật cấp 12 và giữ cường độ này khi tiếp tục đi sâu vào đất liền rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 19 giờ ngày 23.7, vị trí áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,8 độ vĩ bắc - 107,1 độ kinh đông, trên khu vực biên giới Việt - Trung, sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Đến 7 giờ ngày 24.7, áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,1 độ vĩ bắc - 106,2 độ kinh đông, trên khu vực vùng núi phía bắc rồi suy yếu thành vùng thấp và tan dần.
Do ảnh hưởng của bão số 2, vùng biển vịnh Bắc bộ đã có gió mạnh cấp 6 - 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9 - cấp 10, giật cấp 13, biển động rất mạnh. Từ đêm 22.7, khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng đã có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10 - 11; khu vực Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 5 - 6, có nơi cấp 7, giật cấp 8 - 9.
Vùng biển vịnh Bắc bộ (bao gồm đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) độ cao sóng 2,5 - 4,5 m, vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng sóng biển cao 2 - 3 m. Theo dự báo, hôm nay và ngày mai 24.7, Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa từ 100 - 200 mm, có nơi trên 300 mm.
Đưa hàng nghìn du khách về đất liền tránh bão số 2
Tối 22.7, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, để đảm bảo an toàn trước bão số 2, trong ngày, hàng nghìn khách du lịch lưu trú trên vịnh Hạ Long, cũng như tại các xã đảo của các huyện Vân Đồn, Cô Tô đã được thông tin về bão số 2 và được đưa về đất liền.
Trước đó, tỉnh Quảng Ninh đã tạm dừng xuất bến các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long từ 12 giờ ngày 22.7; đồng thời kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển khẩn trương về nơi tránh trú.
Đến 17 giờ ngày 22.7, H.Cô Tô có 796 tàu, thuyền đang neo đậu, tránh trú. Có 948 khách, trong đó có 9 khách quốc tế ở lại đảo.
Tại H.Vân Đồn, đến 15 giờ ngày 22.7 đã di dời 700 người lên bờ. 81 phương tiện chở khách tới các đảo đã tránh bão tại cảng Ao Tiên; cảng Cái Rồng và một số nơi khác tại các xã đảo Quan Lạn, Minh Châu, Thắng Lợi, Ngọc Vừng, Bản Sen... 618 nhà bè nuôi trồng thủy sản đã được thông tin và gia cố, chằng chống.
Tại Hải Phòng, từ 20 giờ tối 22.7, trên huyện đảo Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 9 - cấp 10, mưa to, nhưng do chủ động phòng chống từ chiều 21.7, huyện này chưa ghi nhận thiệt hại về người, nhà cửa cũng như phương tiện tránh trú bão tại âu cảng. Hải Phòng cũng đã kêu gọi 100% tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn, các khu du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí tạm dừng hoạt động. Ngành nông nghiệp đã rút nước trong đồng, trên mương máng thủy lợi để phòng mưa lớn gây ảnh hưởng đến diện tích lúa mới cấy và hoa màu. Hồ điều hòa, mương thoát nước trong khu vực nội thị cũng đã được giảm mực nước từ hôm 21.7. Có 3.885 khách du lịch (435 khách quốc tế, 3.450 khách trong nước) lưu trú tại Cát Bà trong điều kiện an toàn.
Theo Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), tính đến 17 giờ ngày 22.7, lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn 47.676 tàu/192.818 người. Toàn bộ tàu thuyền Quảng Ninh, Hải Phòng đã vào nơi tránh trú. 5 địa phương là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đã cấm biển.
Thái Bình ghi nhận thiệt hại về đê điều
Tại Thái Bình, từ chiều tối 22.7, vùng biển 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 - cấp 8; biển động mạnh. Bước đầu đã ghi nhận thiệt hại về đê điều. Cụ thể, theo Hạt Quản lý đê điều H.Vũ Thư, mái đê bối Vũ Vân (xã Vũ Vân, H.Vũ Thư) đã sạt lở với chiều dài 15 m, rộng 0,5 m, chiều cao 1 m. UBND xã Vũ Vân đã tập trung huy động lực lượng, phương tiện, vật tư xử lý sự cố sạt lở mái đê theo phương châm "4 tại chỗ" để đảm bảo an toàn công trình đê điều.