“Thời gian con còn sống chỉ tính bằng ngày”
Cách đây hơn 2 năm, Ngọc Trinh khi ấy chỉ mới 10 tháng tuổi có những biểu hiện của sốt. Lúc đó, cả nhà chỉ nghĩ rằng Trinh bị cảm, sốt bình thường nên cho con đi khám ở phòng khám.
Tuy nhiên, bằng linh tính nào đó, chị Ý đã đề nghị xét nghiệm tổng quát cho con gái. Có kết quả xét nghiệm, bác sĩ nói rằng Trinh bị bạch cầu cao nên khuyên chị đưa con đến bệnh viện.
Khi khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Trà Vinh, Trinh được chẩn đoán bệnh không nguy hiểm nên chỉ cần uống thuốc.
Lờ đờ đôi mắt vì thiếu ngủ, chị Ý cho biết hơn 1 năm thì bệnh tình của Trinh mới trở nặng. Chị nhớ lại cái tết năm 2023, mùng 10 tết, Trinh sốt nặng và nôn ói nhiều, gia đình đã tức tốc đưa con vào bệnh viện tỉnh và được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM.
Sau khi lên Bệnh viện Nhi đồng 2, Trinh được chẩn đoán mắc ung thư máu.
“Khi ấy chị không biết gì về căn bệnh của con, cứ nghĩ mang con lên TP.HCM chữa bệnh xong rồi về chứ không ngờ con lại bị ung thư. Giờ đây sự sống của con tính bằng ngày, chị trách mình vì sự vô tư khi ấy”, chị Ý khóc.
Chị Ý cho biết khi nghe bác sĩ nói rằng con bị ung thư, tay chân chị bủn rủn, vẫn không tin được sự thật. Không nghĩ rằng đứa con gái bé bỏng của mình lại bệnh nặng như vậy.
Trinh mới 3 tuổi, căn bệnh ung thư quái ác đã lấy đi sức sống của em, khiến thân thể nhỏ bé càng gầy gò và yếu đuối. Cầm đôi tay nhỏ nhắn, xanh xao của con, chị Ý cho biết Trinh chỉ có thể uống sữa và ăn cháo bằng ống xi lanh. Có nhiều ngày liền, Trinh nôn hết ra mọi thứ ăn được.
Hơn 2 năm điều trị, Trinh trải qua vô số đợt điều trị nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Với bao đứa trẻ 3 tuổi khác đã có thể nói rành rọt thì Trinh chỉ ngọng nghịu nói “mẹ ơi, cha ơi”, tiếng nói yếu ớt của cô bé khiến trái tim chị Ý càng thêm thắt lại.
Có làm trâu làm ngựa cũng phải cứu con ung thư
Để điều trị cho con, hơn 2 năm qua chị Ý và chồng đã cầm cố căn nhà, vay mượn họ hàng. Giờ đây, khi không thể mượn được ai khác, chị Ý chỉ biết buồn cho số phận của con.
Trước đây, khi biết con bị ung thư máu, chị đã lên mạng tìm thử và nghĩ rằng con có thể sống được ít nhất 5 năm. Từng thời gian ấy cũng có thể đủ để chị Ý và chồng xoay sở tiền.
Nức nở, chị nói rằng bác sĩ bảo thời gian con còn sống không lâu nữa, chỉ còn hơn 1 năm, muốn con sống thì cần phải phẫu thuật ghép tủy. Tuy nhiên, điều đó không dễ dàng vì gia đình Trinh đã cạn kiệt tài chính. Chẳng có đủ tiền để chi trả cho ca phẫu thuật tốn kém khi báo rằng nếu ghép tủy từ người thân thì chi phí khoảng 1 - 1,5 tỉ đồng (thông tin từ bệnh viện).
Khi nói chuyện với chúng tôi, chị Ý chỉ biết nhìn con, tay nắm chặt tay con trong im lặng. Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên khuôn mặt.
Chị Ý có 2 người con gái, Trinh là con út, trước Trinh là chị gái 5 tuổi. Từ khi Trinh bệnh, chị Ý đã nghỉ việc để chăm con, gánh nặng đè lên vai người chồng đang làm công nhân ở một công ty xuất khẩu tôm với mức lương 7 triệu/tháng. Với số tiền ít ỏi chỉ đủ để nuôi sống một nhà 4 người thì số tiền hơn 1 tỉ để ghép tủy cho con rất xa vời.
“Chị đã vay mượn họ hàng quá nhiều, cũng không ai cho mượn nữa. Bây giờ dù có làm trâu, làm ngựa chị cũng chỉ mong đủ tiền cứu con sống”, chị Ý nức nở.
Giờ đây, mỗi tháng chị Ý và con lên TP.HCM 3 lần để khám và trị bệnh. Từ ngày Trinh bị bệnh, cuộc sống của chị gần như chỉ xoay quanh bệnh viện và những chuyến xe đò từ Trà Vinh lên TP.HCM và ngược lại.
Sợ cái tết
Chị Ý ngồi lặng lẽ, đôi mắt đỏ hoe vì nỗi lòng chất chứa. Khi nói chuyện với chúng tôi, chị không thể kìm được những giọt nước mắt, khóc nức nở vì cảm giác tội lỗi khi không thể ở bên cạnh đứa con gái lớn 5 tuổi.
"Con bé lớn hiểu lắm, nó biết mẹ phải chăm em nên không quan tâm nhiều cho con được. Cả bé Trinh cũng biết cha mẹ cực khổ nên cũng ít quấy khóc hay đòi hỏi gì mẹ cả", chị nghẹn ngào chia sẻ.
Chị Ý sợ tết đến, không phải vì những nỗi lo về công việc hay cuộc sống thường nhật. Mà vì tết đối với chị giờ là một ký ức đau xót khi thời gian ấy con phát bệnh.
Mỗi sáng, khi thức dậy, chị chỉ mong là con sẽ khỏe hơn, nhưng rồi lại thấy con mệt mỏi, khuôn mặt nhỏ nhắn không có ánh sáng hồn nhiên như những đứa trẻ khác.
Lòng chị như thắt lại khi nghe bác sĩ bảo rằng bệnh tình của con đã bước vào giai đoạn nguy hiểm. “Cách duy nhất để con sống là ghép tủy, nhưng tiền đâu?”. Câu hỏi ấy cứ lặp lại trong đầu chị Ý mỗi ngày.
Chị Ý cho biết bác sĩ nói rằng bây giờ nếu đủ tiền thì cha hoặc mẹ đều có thể hiến tủy cho con. Sau khi ghép tủy thì Trinh phải nằm viện 2 tháng.
Chị Ý đã làm mọi cách để có tiền chữa trị, đã cầm cố căn nhà, mảnh đất chỉ mong sao đủ để có thể cứu lấy con. Trong những đêm thức trắng, chị chỉ có một ước mong duy nhất đơn giản mà cũng đầy khắc khoải. Rằng con gái có thể ghép tủy, chiến thắng được căn bệnh hiểm nghèo và sống một cuộc đời bình thường như bao đứa trẻ khác.
Chị chỉ mong Trinh được học hành, được chơi đùa như bao đứa trẻ khác, được sống cuộc đời bình dị mà hạnh phúc.