Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung trăn trở về việc vẫn còn gần 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập, gần 300.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin. "Những giọt nước mắt vẫn còn lăn trên má của những người mẹ; những ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những gia đình chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, của em, của vợ, chồng, của cha, mẹ mình… ở đâu là những câu hỏi day dứt đối với chúng ta", Bộ trưởng Dung nói.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), thực hiện với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sĩ chưa xác định thông tin để giám định, lưu trữ trong Ngân hàng Gen sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Ngân hàng Gen liệt sĩ và thân nhân ra mắt và được kỳ vọng giúp định danh, đưa 300.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin về với gia đình.
Việc làm cao đẹp và đầy ý nghĩa
Phản hồi thông tin trên, bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho biết đặt nhiều kỳ vọng vào "Ngân hàng Gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin". "Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong công tác tìm kiếm và xác định danh tính các liệt sĩ còn thiếu thông tin, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc", BĐ Văn Phúc ý kiến.
Cùng quan điểm, BĐ Tuấn Vũ khẳng định: "Việc thành lập "Ngân hàng Gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin" là việc làm cao đẹp và đầy ý nghĩa, mang lại niềm an ủi cho gia đình các liệt sĩ đồng thời thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những anh hùng đã hy sinh, dâng hiến cả cuộc đời để bảo vệ Tổ quốc".
BĐ Phong Nguyễn viết: "Sự ra đời của "Ngân hàng Gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin" thắp lên niềm hy vọng mới cho hàng ngàn gia đình liệt sĩ trên khắp cả nước. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng trong hành trình tìm kiếm và xác định danh tính những người con đã ngã xuống vì đất nước".
"Sự ra đời của ngân hàng gen này không chỉ là một việc làm nhân văn cao cả mà còn mang ý nghĩa quan trọng. Góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh, mang lại sự an ủi cho những gia đình liệt sĩ và khẳng định truyền thống "uống nước nhớ nguồn" tốt đẹp của dân tộc ta", BĐ Nguyễn Thiện ý kiến.
Phát huy tối đa hiệu quả 'ngân hàng gen liệt sĩ'
Không chỉ đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai dự án này, BĐ Anh Khoa cũng mong: "Thủ tục, cách thức triển khai cần thật đơn giản để người dân có thân nhân là liệt sĩ dễ dàng tiếp cận với "ngân hàng gen này", qua đó có thể giúp họ nhanh chóng tìm được người thân".
Tương tự, BĐ Tuấn Dương ý kiến: "Mong các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia cung cấp mẫu gen và thông tin liên quan đến liệt sĩ. Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư mạnh mẽ về công nghệ, trang thiết bị để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng gen này".
"Với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, hy vọng rằng tất cả các liệt sĩ chưa xác định được danh tính sẽ sớm được nhận diện và trở về với vòng tay gia đình. Với sự đồng lòng và nỗ lực của toàn xã hội, ngân hàng gen sẽ sớm hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình, để mỗi người con đã ngã xuống đều được trở về yên nghỉ bên vòng tay gia đình và đồng đội", BĐ Sơn Trần ý kiến.
Không chỉ mang lại niềm an ủi, xoa dịu nỗi đau cho người ở lại, đây còn là sự tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ.
Đức An
Hy vọng rằng việc thành lập "Ngân hàng Gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin" sẽ giúp kết nối các liệt sĩ với người thân của họ, để không còn những ngôi mộ "liệt sĩ chưa biết tên" nữa.
Thanh Phạm