Vườn mì của gia đình bà Y Lor (52 tuổi, ở làng Kon Skôi) từng rộng hơn 3 sào (1.500 m2). Nhưng mỗi năm bờ sông lại lở thêm một ít, đến nay hơn 2 sào đất trồng mì của bà đã trôi theo dòng nước. Mất đất sản xuất, nguồn thu nhập của gia đình bà Lor bị thu hẹp và căn nhà cũng bị nứt toác vì sạt lở.
"Trước đây, lòng sông chỉ rộng khoảng 30 m. Mỗi năm cứ đến mùa mưa, bờ sông lại sạt lở, lòng sông mở rộng ra, đến nay có đoạn lòng sông rộng gần 100 m, uy hiếp đời sống, sinh hoạt của bà con", bà Lor nói.
Tháng 2.2024, UBND tỉnh Kon Tum công bố tình huống khẩn cấp đối với tình trạng sạt lở bờ sông ở làng Kon Skôi và quyết định đầu tư xây dựng tuyến kè 2 bên bờ sông dài 1 km nhằm bảo vệ khu dân cư và khu trung tâm hành chính H.Kon Rẫy. Tổng kinh phí xây dựng 130 tỉ đồng từ nguồn vốn khắc phục bão lũ của T.Ư.
Việc xây bờ kè ảnh hưởng đến hơn 4 ha đất sản xuất của 21 hộ dân các xã Đăk Ruồng và Tân Lập (H.Kon Rẫy). Trong khi đó, dự án không có kinh phí để đền bù hỗ trợ cho người dân. Trước vấn đề này, UBND H.Kon Rẫy đã tuyên truyền, vận động 21 hộ dân hiến đất làm bờ kè.
Được sự vận động của chính quyền địa phương, gia đình A Nhuông không ngần ngại nhường 600 m2 đất và cây trồng đang cho thu hoạch để thực hiện dự án xây dựng bờ kè sông Đăk Snghé. "Biết tin chính quyền sẽ làm bờ kè để bảo vệ đất, vợ chồng tôi bàn bạc với nhau và quyết định hiến hết 600 m2 đất. Dù diện tích đất canh tác của gia đình giảm xuống nhưng góp phần bảo vệ được nương rẫy cho cả dân làng là gia đình tôi sẵn lòng", anh A Nhuông chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND H.Kon Rẫy, sau khoảng 10 ngày vận động, 21 hộ dân đồng ý hiến đất và tài sản trên đất với giá trị hơn 1 tỉ đồng để thực hiện dự án. Đến nay, H.Kon Rẫy đã bàn giao toàn bộ diện tích đất trên cho chủ đầu tư triển khai dự án xây dựng bờ kè sông Đăk Snghé.
"Đây là công trình trọng điểm mà công tác giải phóng mặt bằng triển khai nhanh nhất và được dân ủng hộ nhiều nhất. Điều này cho thấy dân đồng thuận với dự án đầu tư kè", ông Thủy nói.