Cho đi là còn mãi: 'Tôi đang mơ lần thứ hai'

09:53 - 05/07/2024

Nhiều người suy thận, tim, gan... ra đi khi tuổi đời còn trẻ, bỏ lại sau lưng nhiều ước mơ còn dang dở, nhiều dự định chưa thành...

"11 giờ ngày 25.2.2023, bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu điện thoại tôi hỏi: 2 mẹ con đang ở đâu? Tôi nói ở TP.HCM. Rồi bác sĩ hỏi thăm tình hình sức khỏe bé Tr., tôi nói con gái đang chạy thận ở Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy. Đến 17 giờ, bác sĩ BV Chợ Rẫy gọi cho tôi thông báo có bệnh nhân chết não hiến thận, đưa bé vào BV làm xét nghiệm để chuẩn bị ghép. Tôi vui mừng khôn xiết nhưng không biết làm gì, cứ đi tới đi lui", bà Trần Hoàng Bích C. (58 tuổi), mẹ của bệnh nhân Phạm Trần Lê Tr. (hiện 17 tuổi, ở Phú Yên, được ghép thận tại BV Chợ Rẫy vào ngày 26.2.2023), mở đầu câu chuyện với PV Thanh Niên.

"Con muốn đi học trở lại"

Mùa hè năm 2018, em Tr. chuẩn bị vào lớp 6 nhưng suy thận và được giới thiệu đến BV Nhi đồng 2 để kiểm tra, phát hiện bệnh thận giai đoạn cuối. Kể từ đó, Tr. phải lọc thận bằng phương pháp thẩm phân phúc mạc (lọc qua màng bụng). Em phải nghỉ học hẳn, mỗi tháng từ Phú Yên vào TP.HCM một lần. Cùng thời điểm, em trai của Tr. cũng được đưa vào BV Nhi đồng 2 tầm soát và phát hiện suy thận giai đoạn 3, uống thuốc theo dõi. Bà C. đưa 2 con vào TP.HCM để vừa đi trị bệnh cho con, vừa đi làm mưu sinh.

Cho đi là còn mãi: 'Tôi đang mơ lần thứ hai'

Em Phạm Trần Lê Tr. nấu cơm vào một trưa cuối tháng 6

Duy Tính

Tr. sau 2 năm lọc thận thì bị thoát vị rốn, bị mất thành bụng phải chuyển qua chạy thận nhân tạo. Từ năm 2023, em chuyển qua chạy thận tại BV Chợ Rẫy. Trong thời gian này, bà C. liên hệ Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (BV Chợ Rẫy) để đăng ký ghép thận cho con và được đưa vào danh sách chờ.

Cho đi là còn mãi: 'Tôi đang mơ lần thứ hai'

Lấy tạng hiến tại Bệnh viện Chợ Rẫy

N.H

Khoảnh khắc được BV Chợ Rẫy gọi đưa con nhập viện ghép thận, bà C. vừa vui, vừa lo. Cái lo nhất của bà là sợ con mắc bệnh gì đó kèm theo thì không thể ghép được và phải chờ. Bà sợ không có tiền để trang trải viện phí. Rất may mắn, mọi việc đều thuận lợi và Tr. được ghép thận vào ngày 26.2.2023. Chi phí bà bỏ ra cũng chỉ hơn 20 triệu đồng, số còn lại ngoài bảo hiểm thì BV và nhà hảo tâm giúp đỡ.

"Khi con hồi tỉnh, câu đầu tiên con nói với tôi là "Mẹ ơi, con khỏe con sẽ đi học lại". Tôi hứa sẽ cho con đi học khi con đủ khỏe. Hiện bé được một người tài trợ mở tiệm tạp hóa tại nhà trọ", bà C. kể.

Tháng 12.2023, em trai của Tr. đang học lớp 10 diễn tiến suy thận giai đoạn cuối và cũng đã lọc thận. Mỗi tuần chạy thận 2 lần, sau chạy thận thì đi học. Bà C. tâm sự mình ước mơ lần thứ hai, đó là đứa con trai cũng được ghép thận như chị gái. Trong lúc trò chuyện với PV Thanh Niên, bà C. nhắc đi nhắc lại: "Làm sao biết người cho thận con mình để đến cảm ơn".

Những lợi ích vô hình

Theo bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (BV Chợ Rẫy), người bệnh bị suy tạng giai đoạn cuối như suy tim, gan, thận… thường không thể làm được gì, thậm chí ngay cả tự chăm sóc bản thân và luôn cần có sự trợ giúp của người thân.

Cho đi là còn mãi: 'Tôi đang mơ lần thứ hai'

Em Phạm Trần Lê Tr. hiện bán tạp hóa

Duy Tính

Làm thế nào để người bệnh có được phương pháp điều trị thay thế tạng đã bị hỏng của mình? Đây là một câu hỏi lớn được đặt ra không chỉ tại VN mà cả thế giới. Không phải bất kỳ tạng nào bị suy thì người sống cũng có thể hiến được (ví dụ như trái tim), hoặc không phải bất kỳ ai trong gia đình đều có thể hiến một quả thận hay một phần gan cho người thân của mình bị mắc bệnh hiểm nghèo…

Ghép tạng vẫn là phương pháp điều trị tối ưu nhất cho dạng bệnh này. Sau ghép, người bệnh có thể hồi phục sức khỏe, chất lượng cuộc sống tốt, trở lại môi trường học tập, làm việc, đóng góp cho gia đình và xã hội…

Thế nhưng, khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn tạng hiến, cho đến thời điểm hiện tại vẫn là từ con người. Thiếu hụt tạng hiến, buôn bán và ghép tạng trái phép ngày càng lan rộng, gây xáo trộn an ninh trật tự xã hội, VN cũng không ngoại lệ. Cách giải quyết tốt nhất chính là phát triển chương trình hiến và ghép mô, tạng từ người hiến chết não hay chết khi tim ngừng đập (chết tuần hoàn).

Chính vì vậy, ngày 19.5.2024, Thủ tướng và Bộ Y tế cùng các hội, ban ngành, giáo hội… đã phát động chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi". Sau lễ phát động này, số người đăng ký hiến tạng gia tăng nhanh chóng. Chỉ riêng BV Chợ Rẫy có trên 49.400 người đăng ký hiến tạng khi qua đời (chiếm trên 60% đơn đăng ký trên cả nước).

Theo bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, hiện quan điểm "chết không toàn vẹn" không còn là vấn đề chính, không chỉ người lớn tuổi, giới trẻ hiện nay có quan điểm sẵn sàng chia sẻ những bộ phận cơ thể còn chức năng tốt của mình khi chẳng may qua đời, chẳng may mắc bệnh nhưng không thể sống được nữa, nhằm mang lại sự sống cho người khác. Đặc biệt là chia sẻ để cứu những người bệnh còn trẻ, là sinh viên, học sinh, trẻ em mà cuộc sống còn dài, còn có thể cống hiến cho xã hội trong tương lai.

"Đây là những lợi ích vô hình rất lớn mà người hiến mô, tạng đã mang lại cho xã hội", bác sĩ Thu nói.

Hệ thống ghép tạng sẽ tốt hơn nữa nếu được quan tâm

BV Chợ Rẫy đang làm những công đoạn cuối cho việc hiến - ghép thận. Đó là kiểm soát tìm người hòa hợp (người hiến - người nhận) từ bệnh lý đến địa lý, tuổi, nhóm máu, sau đó tính thang điểm và xếp thứ tự ưu tiên tính hòa hợp từ cao nhất đến thấp nhất. Ví dụ, ở BV Chợ Rẫy có người hiến thận 50 tuổi, thì quy trình sẽ tìm người bán kính trong vòng 500 km, tuổi người nhận từ 40 - 60… để làm sao thời gian bảo quản thận tốt nhất. Người bệnh trong danh sách chờ ghép được quản lý, theo dõi để có thể ghép được tạng khi có tạng hiến phù hợp.

Cho đi là còn mãi: 'Tôi đang mơ lần thứ hai'

Ghép tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy

N.H

Bác sĩ Thu lưu ý, cần phải chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu để người bị bệnh thận, tim, gan… chậm tiến tới suy thận, gan, tim giai đoạn cuối. Việc này cũng giảm số lượng người chờ ghép và khắc phục sự khan hiếm tạng như hiện nay. Và sau khi được ghép thì cần theo dõi, chăm sóc để họ sống lâu nhất, an toàn nhất với tạng mà họ được nhận, đó mới gọi là thành công của chương trình ghép tạng. Còn hiện nay, chúng ta chưa quan tâm nhiều đến hậu ghép tạng mà chỉ tính số ca được ghép.

Theo bác sĩ Thu, để giải quyết được bài toán khó trong hiến - ghép tạng, bên cạnh vận động hiến tạng khi chết não để cứu người thì việc đào tạo chuyên biệt cho người công tác trong chuyên ngành điều phối, hiến, ghép tạng cùng với xây dựng các chế độ, chính sách cho ngành này là một vấn đề không kém phần quan trọng, cần phải quan tâm đặc biệt.

Cần có những quy trình thống nhất được quy định xuyên suốt cho tất cả BV trên toàn quốc, dù đó có là trung tâm ghép hay không trong việc phát hiện, quản lý, báo cáo các trường hợp chết não về cho hệ thống điều phối. Đào tạo chuyên biệt cho nhân viên các khoa hồi sức cấp cứu (ICU), nhận định một ca bệnh không còn khả năng cứu nữa thì họ sẽ nghĩ đến việc bệnh nhân có thể hiến tạng và báo cho đơn vị điều phối đến thuyết phục, hỏi xin. Trong lúc đó, họ cần hồi sức cho bệnh nhân tốt nhất. Việc này đang được BV Chợ Rẫy triển khai thực hiện. 

 
 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...