Theo Cục thuế Bình Thuận, trường hợp bị cơ quan này cưỡng chế thuế, phong tỏa tài khoản và đề nghị Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) tạm hoãn xuất cảnh là ông Dương Văn Phúc (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM).
Trước đó, vào năm 2002, ông Dương Văn Phúc có hoạt động chuyển nhượng một phần vốn góp giá trị 200 tỉ đồng cho Công ty CP tập đoàn K. với giá 360 tỉ đồng. Như vậy, số tiền thu nhập cá nhân phát sinh từ vụ chuyển nhượng trên của ông Phúc phải nộp là 32 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Phúc vẫn chưa nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Tính đến ngày 31.5, tính cả tiền lãi phát sinh, số tiền nợ thuế của ông Phúc gần 41 tỉ đồng.
Cũng theo Cục Thuế Bình Thuận, cơ quan thuế đã bằng nhiều cách liên lạc với "đại gia" này, nhưng tới nay việc nộp thuế thu nhập và cả thuế phát sinh vẫn chưa thực hiện được.
Từ các quy định của pháp luật về thuế hiện hành, Cục Thuế Bình Thuận đã có quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản; đồng thời yêu cầu các ngân hàng phong tỏa tài khoản của ông Phúc để đảm bảo việc truy thu thuế.
Trước đó, Cục Thuế Bình Thuận đã có công văn gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Dương Văn Phúc.
Theo thông tin mà PV Thanh Niên có được, ông Phúc bị Cục Thuế Bình Thuận ban hành 5 quyết định cưỡng chế, phong tỏa các tài khoản ở 5 ngân hàng để thông báo nợ thuế; yêu cầu các ngân hàng này trích tiền từ tài khoản cá nhân nộp vào tài khoản Cục Thuế Bình Thuận mở tại Kho bạc Nhà nước Bình Thuận.
Cũng theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ông Dương Văn Phúc là "đại gia" có nhiều dự án bất động sản tại Mũi Né (Bình Thuận). Trong đó, dự án mà ông Phúc chuyển nhượng dẫn đến phát sinh nợ thuế dù đã giao dịch hoàn thành, đã bị Công ty CP tập đoàn K. (bên nhận chuyển nhượng) hủy hợp đồng chuyển nhượng. Hiện nay ông Phúc đang thực hiện thủ tục khởi kiện ra tòa án tại TP.HCM để đòi quyền lợi.