Cụ thể, lúc 6 giờ, một đoạn bờ sông Trà Nóc qua khu vực 2, P.Trà An, Q.Bình Thủy đã bị sạt lở với chiều dài 54 m, ăn sâu vào bờ hơn 14 m. Vụ sạt lở đã làm thiệt hại 7 căn nhà liền kề nằm ven sông, trong đó có hai dãy nhà trọ, một căn nhà kiên cố 1 trệt, 1 lầu. Hiện tại khu vực trên đang có nguy cơ sạt lở thêm khi các vết nứt xuất hiện nhiều.
Theo UBND P.Trà An, Q.Bình Thủy, ngày 1.4, địa phương đã kiểm tra khu vực có nguy cơ sạt lở nói trên; đồng thời vận động người dân không sinh sống, ngủ nghỉ tại khu vực nguy hiểm. Địa phương cũng đã huy động lực lượng thường trực quân sự phường hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc. Nhờ đó, vụ sạt lở không gây thiệt hại về người cũng như hạn chế thiệt hại tài sản.
Cùng ngày, trên tuyến kênh Cần Thơ Bé (P.Thuận Hưng, Q.Thốt Nốt) cũng bị sạt lở một đoạn dài 35 m làm 3 căn nhà bị sụp xuống kênh, 1 căn đang có nguy cơ sạt lở tiếp.
Hôm 2.3, một vụ sạt lở khác xảy ra tại Rạch Chanh thuộc khu vực Long Thành, P.Long Hưng, Q.Ô Môn, khiến đoạn đường bê tông ven sông hư hỏng nặng, không gây thiệt hại về người và nhà cửa.
Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Cần Thơ đang chỉ đạo các địa phương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Cần Thơ đã xảy ra 4 vụ sạt lở bờ sông; trong đó, 2 ngày qua liên tiếp xảy ra 3 vụ. Trước diễn biến phức tạp này, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Cần Thơ tiếp tục đề ra nhiều biện pháp ứng phó, đặc biệt chú trọng đến phương châm "4 tại chỗ" cũng như thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội trong cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai.
Năm 2023, Cần Thơ xảy ra 41 vụ sạt lở trên địa bàn các huyện: Thới Lai, Phong Điền, Vĩnh Thạnh; các quận: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn và Thốt Nốt làm 8 căn nhà sạt hoàn toàn xuống sông, 21 căn bị ảnh hưởng, 2 người bị thương; tổng thiệt hại gần 34,5 tỉ đồng.