Ô tô Trung Quốc không ít lần nhận "trái đắng" tại Việt Nam
Sau thành công bằng việc chiếm lĩnh thị trường của các hãng xe Nhật Bản, Hàn Quốc… khoảng 10 năm trước ô tô Trung Quốc cũng từng tạo nên làn sóng mới trên thị trường ô tô Việt Nam.
Ở thời điểm ô tô không chỉ là phương tiện mà còn được xem như khối tài sản lớn đối với người Việt, sự xuất hiện của những mẫu xe Trung Quốc như BAIC BJ40, BAIC CC hay BAIC X65 tại một sự kiện như Triển lãm ô tô Việt Nam 2015, diễn ra tại Hà Nội khiến không ít người bất ngờ. Bởi, với người Việt, xe Trung Quốc nói chung đặc biệt là ô tô vẫn mang đến không ít sự nghi ngại về chất lượng, độ bền… dù giá bán khá hấp dẫn so với các mẫu xe Nhật Bản, Hàn Quốc cùng phân khúc. Bên cạnh đó, người Việt vốn đã quen với những màn trình diễn của xe Đức, xe Hàn Quốc, xe Mỹ hay Nhật Bản tại Triển lãm ô tô Việt Nam, việc một hãng xe Trung Quốc xuất hiện tại sàn diễn này xem ra khá lạc lõng, do đó cũng không thu hút được nhiều sự chú ý.
Những gì diễn ra sau đó trên thị trường đúng như cái cách thờ ơ của người Việt đối với BAIC khi xuất hiện tại Triển lãm ô tô Việt Nam. Bất chấp nhà phân phối của thương hiệu ô tô Trung Quốc đã không ngừng nỗ lực đưa về hàng loạt mẫu mã với giá khá hấp dẫn, bỏ ra chi phí để quảng bá hình ảnh… người Việt mua sắm ô tô tại thời điểm đó vẫn "ngó lơ" BAIC cũng như các hãng xe Trung Quốc nói chung.
Phải đến khi những thương hiệu xe Trung Quốc vốn nổi tiếng về sao chép kiểu dáng thiết kế của các hãng xe châu Âu như Zotye Z8, Beijing X7, Brilliance V7… xuất hiện tại Việt Nam và ít nhiều tạo sự chú ý nhờ được trang bị nhiều tính năng, vẻ ngoài bóng bẩy… ô tô Trung Quốc mới ít nhiều tạo được dấu ấn với người Việt. Giá bán hấp dẫn lại đi kèm nhiều trang bị, tính năng giúp những mẫu SUV như Zotye Z8, Beijing X7, Brilliance V7… được một bộ phận khách hàng mua ô tô tại Việt Nam lựa chọn. Tuy nhiên, việc mất giá quá nhân cùng lỗi phát sinh trong quá trình sử dụng khiến những mẫu xe này dần mất hút trên thị trường.
Tham vọng cạnh tranh tìm chỗ đứng tại thị trường ô tô Việt Nam vừa được nhen nhóm lại bị dập tắt. Vấn đề thương hiệu, chất lượng một lần nữa khiến các thương hiệu ô tô Trung Quốc bị "dội gáo nước lạnh" trên hành trình chinh phục khách hàng mua ô tô tại Việt Nam. Chính vì vậy, sự xuất hiện sau này của những cái tên như DongFeng hay ngay cả Hongqi cũng không tạo được nhiều dấu ấn trên thị trường.
Làn sóng ô tô Trung Quốc trở lại mạnh mẽ
Sau không ít lần nhận trái đăng, mãi đến khi xu hướng xe xanh phát triển mạnh, thị hiếu người Việt Nam bắt đầu có sự thay đổi, chuyển dịch… hy vọng cho sự phát triển của ô tô Trung Quốc tại Việt Nam mới bắt đầu được nhen nhóm trở lại.
Sau khi MG xuất hiện vào năm 2020 và cơ bản đã gặt hái được thành công, làn sóng ô tô Trung Quốc trở lại Việt Nam ngày càng mạnh mẽ hơn. Từ đầu năm 2023 đến nay, thị trường ô tô Việt Nam chứng kiến màn đổ bộ ồ ạt về cả thương hiệu, mẫu mã ô tô Trung Quốc.
Sau một thời gian hợp tác với bên thứ ba để phân phối ô tô mang thương hiệu MG tại Việt Nam, đầu tháng 7, Tập đoàn Ô tô Thượng Hải (SAIC) chính thức tiếp quản việc phân phối các dòng xe MG tại Việt Nam, bằng việc thành lập công ty SAIC Motor Vietnam - công ty con thuộc sở hữu của Tập đoàn Công nghiệp ô tô Thượng Hải (Shanghai Automotive Industry Corporation). SAIC Motor Vietnam tiếp tục đa dạng danh mục sản phẩm cho MG tại Việt Nam thông qua việc mở bán mẫu MG5 mới và MG RX5. Đáng chú ý, đơn vị này còn hé lộ kế hoạch đưa ô tô điện MG về Việt Nam, đồng thời "nhá hàng" mẫu xe điện MG Cyberster.
Thương hiệu Haima của Trung Quốc cũng hòa chung làn sóng trở lại thị trường Việt Nam bằng việc phân phối hai mẫu xe Haima 7X và 7X-E ở phân khúc MPV. Trong đó, 7X-E - dòng xe MPV 7 chỗ thuần điện đầu tiên tại thị trường Việt Nam mang thương hiệu Haima của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự trở lại đáng chú ý nhất của ô tô Trung Quốc tại Việt Nam thời gian gần đây phải kể đến sự xuất hiện của Wuling. Khác với cách làm của nhiều hãng xe Trung Quốc khi thông qua đơn vị thứ 3 để nhập khẩu ô tô vào Việt Nam, Wuling thậm chí còn bắt tay với doanh nghiệp trong nước để lắp ráp xe ngay tại Việt Nam. Cụ thể, vào đầu năm 2023 liên doanh GM – SAIC – WULING hợp tác với TMT Motor để lắp ráp mẫu ô tô điện cỡ nhỏ Wuling HongGuang MiniEV tại Việt Nam.
Tiếp đến hàng loạt thương hiệu xe Trung Quốc như Haval thuộc hãng mẹ Great Wall Motor (GWM), Lynk & Co, GAC hay mới nhất là Chery thông qua bán hai thương hiệu con là Omoda và Jaecoo cũng quay trở lại thị trường Việt Nam. Trong lần trở lại này, có thể nhận thấy các thương hiệu ô tô Trung Quốc đều có sự đầu tư khi bắt tay hợp tác với các nhà phân phối ô tô trong nước để dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường. Trong đó, đáng chú ý là việc hợp tác giữa Lynk & Co và Tasco; hay hai thương hiệu Omoda và Jaecoo (thuộc Chery) với Tập đoàn Geleximco của Việt Nam.
Bên cạnh đó, ở lần trở lại này, nhiều hãng xe Trung Quốc như Haval, Lynk & Co hay Haima khá chú trọng về chất lượng, trang bị sản phẩm và nhắm vào các phân khúc xe hybrid, ô tô điện… do đó khiến cho mặt bằng giá bán ô tô Trung Quốc tại Việt Nam không còn hấp dẫn như trước đây.