>>Xe sang Hongqi bán tại Việt Nam, “rớt” giá quá nhanh
Bắt đầu từ “4 không”
Vào năm 1956, Tập đoàn FAW, khi đó được gọi là Nhà máy Ô tô số 1 Trung Quốc, nhận nhiệm vụ chế tạo ô tô cho lãnh đạo Trung Quốc. Ở thời điểm đó, tất cả mọi thứ được gói gọn trong "4 không". Đó là: “không có thông tin, không có kinh nghiệm, không có công cụ và không có thiết bị”.
Các kỹ sư Trung Quốc đã tìm thấy thiết kế chiếc xe Simca Vedetti của Pháp trong vô số tài liệu về xe hơi nước ngoài và chọn nó làm mẫu tham khảo. Đây là một chiếc sedan tầm trung phổ thông, với ngoại hình đơn giản, bố cục tổng thể hợp lý, khả năng vận hành đáng tin cậy, giá thành vừa phải, về cơ bản phù hợp với điều kiện sản xuất và kinh doanh của Trung Quốc lúc bấy giờ. Vào ngày 12/5/1958, chiếc xe đầu tiên đã được sản xuất thử nghiệm thành công với tên gọi lúc đó là "Dongfeng CA71".
Logo xe được thiết kế là một con rồng bạc với dòng chữ "DONG FENG" gắn ở đầu. Thân xe sơn màu tím, có dòng chữ nổi: "Nhà máy Ô tô số 1 Trung Quốc" do Chủ tịch Mao Trạch Đông viết. Nóc xe sơn màu xám bạc. Đèn pha phía sau mô phỏng đèn lồng đỏ trong triều đình phong kiến Trung Quốc. Vải bọc ghế là gấm, trần xe bọc nhung, sàn trải thảm len. Bảng điều khiển được chạm khắc bằng sơn mài, núm điều khiển làm bằng ngà voi. Bộ hút thuốc và tay nắm cửa là đồ đồng tráng men theo kỹ thuật truyền thống có từ thời Tống... Đây là một chiếc sedan cỡ trung 4 cửa và 6 chỗ ngồi, sử dụng động cơ của Mercedes-Benz 190, dung tích xi lanh 1.9L, công suất cực đại 70 mã lực, hộp số 3 cấp, tốc độ tối đa có thể đạt 128 km/h.
Khi ra mắt, chiếc xe này được đổi thành Hongqi CA72. Do chưa có kinh nghiệm và hạn chế về mặt kỹ thuật nên mẫu xe này không được sản xuất hàng loạt, chỉ có tổng cộng 30 chiếc. Hongqi CA72 chỉ dành cho các cơ quan nhà nước và các nhà lãnh đạo Trung Quốc, thường được sử dụng trong các sự kiện lớn của đất nước.
Đến năm 1965, mẫu sedan 3 hàng ghế Hongqi CA770 đã được sản xuất thành công, được các lãnh đạo nhà nước và khách nước ngoài biết đến. Mẫu xe này có 2 cấu hình là CA770A và CA770B. Trong 15 năm (1966-1981), có 847 chiếc CA770 được sản xuất. Tất cả đều được bán cho Chính phủ Trung Quốc.
Từ năm 1981, thương hiệu xe Hongqi đã phải ngừng sản xuất, do các vấn đề như tiêu thụ nhiên liệu cao và chất lượng kém. Cho đến năm 1996, Hongqi được hồi sinh, cho ra mắt mẫu xe CA7220 nhưng vẫn bị giới hạn về công nghệ.
Năm 2013, sedan Honqi L5 được ra mắt lần đầu tiên. Honqi L5 từng được "thai nghén" để thế chỗ hàng triệu chiếc xe sang ngoại nhập mà các chính khách chủ chốt Trung Quốc sử dụng làm xe công. Không đơn thuần là xe siêu sang, Hongqi L5 còn hi vọng trở thành chiếc xe biểu tượng quyền lực dành cho các chính khách Trung Quốc. Với chiều dài bằng Rolls-Royce Phantom và trọng lượng 3.175 kg, limousine Honqi L5 được trang bị động cơ V12 6.0L công suất 402 mã lực, sử dụng công nghệ truyền động 4 bánh thông minh.
Nội thất của xe là sự kết hợp hài hòa giữa tính hiện đại và nét cổ điển, thể hiện sắc sảo từ chi tiết da dày bọc tay lái theo thiết kế những năm 60, chi tiết chạm khắc thủ công trên khảm gỗ xung quanh màn hình kỹ thuật số hay men ngọc ở tay nắm cửa... Honqi L5 gợi nhớ chiếc sedan CA770 mà hãng FAW từng chế tạo trong thập niên 1950 để phục vụ các nhà lãnh đạo đất nước. Lần đầu tiên, Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, mang theo ô tô do Trung Quốc sản xuất ra nước ngoài, là trong chuyến thăm cấp nhà nước tới New Zealand vào năm 2014.
Mới đây, trong chuyến công du Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình đã mang theo chiếc limousine bọc thép Hongqi N701 tới cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Joe Biden. Sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo tại San Francisco, bang California, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiễn Chủ tịch Trung Quốc và chỉ vào chiếc ô tô đang chờ ở cửa, thốt lên: "Chiếc xe này đẹp quá".
Chiếc Hongqi mà ông Tập Cận Bình sử dụng không phải xe sản xuất đại trà. Đây là chiếc Hongqi N701, có chiều dài khoảng 5,5m, được phát triển từ mẫu Hongqi L5. Chiếc xe này sử dụng bộ bánh 21 inch, lắp kính chống đạn và bọc thép toàn bộ thân xe. Động cơ được cho là loại V12 dung tích 6.0L, công suất 408 mã lực.
"Rolls-Royce" của Trung Quốc
>>Sẽ có ngày ô tô Trung Quốc tràn ngập đường phố Việt Nam?
Được mệnh danh là "Rolls-Royce" của Trung Quốc, Hongqi là minh chứng cho việc Trung Quốc cũng có thể chế tạo ra những chiếc xe siêu sang. Hiện Hongqi lấy các mẫu xe như Rolls-Royce, Maybach… làm đối tượng mục tiêu và cạnh tranh bằng giá cực thấp, với chất liệu cao cấp, hướng đến nhóm khách hàng nhà giàu muốn có trải nghiệm mới.
Năm 2018, Tập đoàn ô tô FAW đã chiêu mộ ông Giles Taylor, từng là Giám đốc thiết kế của Rolls-Royce về giữ chức vụ Phó Chủ tịch toàn cầu về thiết kế, kiêm giám đốc sáng tạo. Khi còn làm việc tại Rolls-Royce, ông Giles Taylor là người chỉ đạo việc thiết kế hầu hết các mẫu xe mới quan trọng nhất của hãng như Dawn phiên bản mui trần, Phantom thế hệ mới và Cullinan SUV.
Dưới thời của ông Giles Taylors, các sản phẩm của Hongqi thường được nhắc đến là bản sao của Rolls-Royce. Sản phẩm Hongqi H9 có thiết kế hao hao các mẫu xe siêu sang của Rolls-Royce, với lưới tản nhiệt cỡ lớn viền kim loại. Đặc biệt là chiếc SUV điện Hongqi E HS9 đã trở thành tâm điểm chú ý khi xuất hiện như một bản sao của Rolls-Royce Cullinan.
Bên cạnh việc học hỏi ngoại hình từ xe Rolls-Royce, Hongqi còn khiến người xem cảm thấy bối rối với nội thất pha trộn từ nhiều thương hiệu khác. Chẳng hạn vô lăng và bảng điều khiển trung tâm hao hao xe Porsche, cần số điện tử tương tự xe Audi, nút chỉnh điều hòa giống xe Range Rover... Sự thay đổi về nhân sự thiết kế vào năm 2018, đã khiến các sản phẩm của Hongqi thường được nhắc đến là bản sao của Rolls-Royce.
Tại Việt Nam, sự kiện ra mắt bộ đôi Hongqi H9 và Hongqi E HS9 vào đầu năm 2022, đã gây “bão” trên các diễn đàn xe hơi. Tuy nhiên, sau gần 2 năm chính thức có mặt trên thị trường Việt Nam, xe sang Hongqi mất giá nhanh, cả xe mới lẫn xe “chạy lướt” và người tiêu dùng vẫn e ngại với thương hiệu này, ít thấy xuất hiện trên đường.