>>Ngành ô tô khó khăn, xin giảm sản lượng để hưởng ưu đãi thuế, không thành
Khó khăn chồng chất
Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô cho biết, năm nay nhiều mẫu xe sẽ không đạt sản lượng tối thiểu, để được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện 0%. Theo quy định tại Nghị định số 26/2023/NĐ-CP, với ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, dầu từ 9 chỗ ngồi trở xuống, tham gia chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện năm 2023, phải đạt sản lượng chung tối thiểu kỳ xét ưu đãi 6 tháng là 11.500 chiếc và sản lượng riêng một mẫu xe là 4.500 chiếc; hoặc sản lượng chung tối thiểu là 23.000 chiếc và sản lượng riêng tối thiểu là 9.000 chiếc với kỳ xét ưu đãi 12 tháng.
Với dòng xe từ từ 9 chỗ ngồi trở xuống, ước tính cả năm 2023, chỉ có khoảng 7 mẫu đạt điều kiện về sản lượng riêng tối thiểu, để được hưởng ưu đãi thuế. Đó là Toyota Vios, Kia Seltos, Kia Sonet, Mazda CX5, Honda City, Hyundai Accent, Hyundai Creta. Con số này chỉ bằng một nửa so với năm 2022. Những mẫu xe không đạt sản lượng tối thiểu đương nhiên sẽ gặp bất lợi lớn.
Ví dụ, với mẫu Ford Territory, phần linh kiện nhập khẩu từ các nước bên ngoài ASEAN, phải chịu khoản thuế là 1.400 USD/xe (tương đương với 34 triệu đồng). Mẫu xe này không được hoàn số thuế nhập khẩu kể trên, do không đạt sản lượng riêng tối thiểu. Như vậy, sẽ phải chịu thuế nhập khẩu linh kiện, rồi lại bị thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đánh chồng lên, cộng vào lên tới khoảng 40 triệu đồng/xe, so với những đối thủ cùng phân khúc được ưu đãi. Vì thế giá bán sẽ cao hơn, khó cạnh tranh.
Năm 2023 ngành ô tô gặp khó khăn, một số doanh nghiệp lớn đã bị giảm sản lượng từ 20 - 40%. Sản lượng giảm, đã đẩy chi phí tính trên từng xe sản xuất tăng lên; với những mẫu xe không đạt sản lượng riêng tối thiểu, bị loại ra khỏi chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện, giá thành còn tăng hơn nữa, khiến cho khó khăn thêm chồng chất. Đáng tiếc nhất là những mẫu xe gần đạt được sản lượng riêng tối thiểu, từ 7.000-8.000 chiếc/năm, không được hưởng ưu đãi sẽ rất thiệt thòi.
Nhận thấy tình hình khó khăn còn kéo dài sang cả năm 2024, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, xin giảm sản lượng tối thiểu cho chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện của năm 2023 và 2024. Tỷ lệ xin giảm là 34%. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị Bộ Tài chính bác bỏ. Theo Bộ Tài chính, điều kiện về sản lượng xe tối thiểu được hưởng ưu đãi thuế là quan trọng và tiên quyết, để khuyến khích doanh nghiệp mở rộng, đầu tư quy mô sản xuất, không thể giảm.
Những “điểm nghẽn” lớn
>>Giảm giá "đến chết", “cuộc chiến” trên thị trường ô tô cuối năm
Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, hiện nay thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam đã giảm về 0%, trong khi nhập khẩu những linh kiện trong nước chưa sản xuất được vẫn phải chịu thuế, là bất hợp lý. Cơ quan quản lý cần xem xét, giảm thuế nhập khẩu về 0% cho tất cả những linh kiện ô tô trong nước chưa sản xuất được, không gắn với điều kiện về sản lượng tối thiểu.
Giới chuyên môn cho rằng, chương trình này được thực hiện từ năm 2018, qua 5 năm cũng có thêm nhiều mẫu xe đạt sản lượng tối thiểu và được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0%. Tuy nhiên, hiện tại các mẫu xe có sản lượng cao cũng chỉ đạt từ 10.000- 20.000 chiếc/năm. Không có mẫu xe nào có sản lượng tăng mạnh, thậm chí một số mẫu xe trước kia có sản lượng cao hơn từ 20.000- 30.000 chiếc/năm nay lại thụt lùi. Vì vậy, chính sách này trên thực tế không có ảnh hưởng lớn tới việc phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có 2 “điểm nghẽn" lớn, đó là quy mô thị trường nhỏ và giá xe sản xuất trong nước cao. Cả 2 “điểm nghẽn” này đều có nguyên nhân từ thuế, phí cao. Ô tô từ 9 chỗ ngời trở xuống đang phải chịu 3 loại thuế chính, gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Hơn nữa, 3 loại thuế này còn bị đánh chồng lên nhau, nên thường chiếm từ 40-60% trong giá bán, tùy từng mẫu xe. Hiện chỉ có xe điện được hưởng thuế tiêu thụ đặc biệt thấp và miễn lệ phí trước bạ.
Thu nhập của đa số người dân còn thấp, trong khi thuế, phí cao, đã khiến doanh số bán xe rất hạn chế. Ngành công nghiệp ô tô muốn phát triển được phải dựa trên quy mô và sản lượng lớn. Vì vậy, giảm gánh nặng thuế, phí để hỗ trợ, mới là yếu tố chủ chốt, quyết định đến sự phát triển của ngành sản xuất này.