Hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện giao thông vẫn phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Trên các tuyến phố của Hà Nội, không khó để bắt gặp cảnh người điều khiển xe máy, ô tô vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại. Thói quen "một tay lái, một tay bấm" hay vừa nhìn đường vừa chăm chú vào màn hình điện thoại đã trở nên phổ biến. Anh Trần Văn Hùng, một tài xế xe ôm công nghệ, thừa nhận: "Tôi thường sử dụng tai nghe để nhận cuốc xe, nhưng đôi khi đang chạy mà khách gọi thì vẫn phải nghe ngay, chứ dừng xe không tiện lắm".
Hành vi này không chỉ giới hạn ở những người sử dụng xe máy mà còn xuất hiện cả ở tài xế ô tô, thậm chí là xe khách giường nằm. Sự việc tài xế xe khách giường nằm dùng khuỷu tay lái xe trên cao tốc Hà Nội – Ninh Bình – Thanh Hóa vào chiều ngày 3/12 đã gây bức xúc lớn. Tài xế này liên tục bấm điện thoại trong khi xe vẫn chạy với tốc độ cao, bất chấp tính mạng của hàng chục hành khách trên xe.
Mặc dù quy định cấm đã rõ ràng, nhưng vẫn có nhiều trường hợp biện minh cho hành vi của mình. "Cũng có sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông, đó là khi sử dụng Google Map để tra đường đi hoặc khi dừng đèn đỏ quá lâu thì sẽ dùng điện thoại để check tin nhắn hoặc lướt mạng xã hội", một người đi đường chia sẻ.
Hành vi này không chỉ làm mất tập trung mà còn dễ dẫn đến các va chạm bất ngờ. Theo thống kê từ các đơn vị chức năng, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra do tài xế mải dùng điện thoại, không kịp xử lý tình huống.
Mặc dù lực lượng CSGT tại Hà Nội đã nỗ lực xử lý, nhưng thực tế cho thấy việc chứng minh hành vi sử dụng điện thoại khi đang lái xe là không dễ dàng. Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6, cho biết: "Người ngồi trong ô tô khi nghe điện thoại thì các lái xe thường có những biện minh hoặc yêu cầu cung cấp hình ảnh người ta đang sử dụng, nên để xử lý được một trường hợp mất rất nhiều thời gian để chứng minh việc đó".
Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia giao thông khuyến nghị cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ giám sát, điển hình là hệ thống camera phạt nguội, nhằm ghi nhận các hành vi vi phạm. TS Vũ Anh Tuấn từ Trường Đại học Việt Đức cho rằng, việc triển khai các công cụ hiện đại như camera phạt nguội đóng vai trò then chốt trong việc xử lý tình trạng sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện. Ông nhấn mạnh, hệ thống này không chỉ phát hiện vi phạm mà còn ghi lại hình ảnh chi tiết về người điều khiển và phương tiện, đảm bảo độ chính xác cao và khó có thể phủ nhận.
Ngoài ra, mức phạt hiện nay cần được điều chỉnh nghiêm khắc hơn để tạo tính răn đe cao. Theo Nghị định 100/2019, sửa đổi bổ sung tại Nghị định 123/2021, mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe với ô tô là 2-3 triệu đồng, kèm theo hình thức tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Với xe máy, mức phạt tối đa là 1 triệu đồng.
Các cơ quan chức năng kiến nghị cần xử lý nghiêm hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện, coi đây là một trong những lỗi vi phạm chính dẫn đến tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia giao thông được nhấn mạnh là yếu tố quan trọng. Người điều khiển phương tiện nên chủ động dừng xe tại vị trí an toàn bên lề đường nếu cần sử dụng điện thoại, nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Trong bối cảnh hệ thống giao thông tại Hà Nội ngày càng phức tạp, việc kiểm soát hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn là ý thức của mỗi người dân nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...