Việc mẫu xe máy điện này đã khai tử vì giá cao tại Việt Nam không ảnh hưởng đến thị trường "chơi xe" của người dùng. Thiết kế của Yadea G5 phù hợp cho việc cá nhân hóa và linh hoạt khi vận hành ở các đô thị lớn. Ngoài ra, kiểu dáng gọn gàng độc đáo của xe cũng đẹp mắt hơn so với các dòng xe Yadea đời mới vừa ra mắt.
Dù là xe cũ nhưng G5 vẫn được trang bị đèn pha LED, đèn định vị ban ngày, đèn hậu cũng là loại LED, cặp đèn xi nhan trước được đặt tách biệt trên đầu xe. Phần cốp xe có dung tích 26 lít khá rộng. Kiểu dáng tổng thể thiết kế đơn giản và khá lạ mắt so với nhiều dòng xe máy điện khác hiện nay.
Điểm nhấn trên phần đầu xe là màn hình LCD kích thước 7 inch cung cấp khá nhiều thông tin cho chiếc xe, bao gồm cả tình trạng pin, quãng đường di chuyển, màn hình này cũng có khả năng kháng nước. Cùng khả năng tự động điều chỉnh độ sáng hiển thị theo ánh sáng ngoài môi trường, chống lóa.
Chiều cao yên xe 710 mm, kết hợp với khoảng cách từ yên xe đến tay lái 500 mm. Động cơ có 2 chế độ lái Eco (Tiết kiệm nhiên liệu) và Power, tương ứng với khả năng đạt tốc độ 42 - 50 km/giờ. Cụm pin cho phép xe di chuyển khoảng 65 km sau mỗi lần sạc.
Yadea G5 cũng là một chiếc xe được yêu thích nhờ khả năng "độ" và tùy biến cao. Cá biệt có người dùng đã chi ra gần 100 triệu đồng để nâng cấp động cơ cùng nhiều chi tiết cơ khí cho chiếc xe này, chỉ giữ lại kiểu dáng tổng thể và màn hình cá tính của nó.
Với các mẫu xe nguyên bản, nhiều người đánh giá xe vẫn có nhiều hạn chế khi thiết kế đầu xe quá nhẹ, tạo cảm giác không chắc chắn, khó điều khiển ở tốc độ thấp. Ngoài ra cụm phanh xe phía trước thường xuyên bị bó, phải thay thế sang má phanh của hãng khác mới cải thiện được tình hình.
Từ khi khai tử Yadea G5, hãng xe máy điện này chưa từng ra mắt thêm sản phẩm nào cao cấp tương tự, tập trung vào phân khúc xe giá rẻ, dễ tiếp cận người dùng hơn. Ngoài ra, áp lực cạnh tranh từ thương hiệu nội địa VinFast cũng khiến Yadea gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một sản phẩm phù hợp với thị hiếu người dùng Việt Nam.