Mới đây vào ngày 25/7, một chiếc Mercedes-Benz EQE tại Mỹ đã tự bốc cháy sau khi mới được chủ nhân mang về từ đại lý, gây thiệt hại khoảng 1 triệu USD cho chủ nhà. Trước đó vào ngày 21/7, một trong hai chiếc xe đua chạy điện của đội Special ONE Racing đã bốc cháy, phá hủy khu vực của đội và khiến toàn hoạt động của Giải Vô địch đua xe đường trường thế giới ở Anh sau đó bị hủy.
Trong tháng 6, một vụ cháy ô tô điện Tata Nexon Electric trên đường phố Mumbai cũng đã gây xôn xao dư luận Ấn Độ. Tại Việt Nam, các vụ cháy nổ, hỏa hoạn nghi do pin xe điện cũng không còn là chuyện hiếm. Thị trường xe ô tô điện toàn cầu đang trên đà bùng nổ, nhưng kéo theo đó cũng là nỗi lo về sự an toàn trong quá trình sử dụng.
Nguyên nhân các vụ cháy do pin xe điện gây ra hiện nay vẫn chưa được xác định cụ thể. Theo các chuyên gia trong nước và thế giới, một số lý do chính dẫn tới hiện tượng này có thể kể ra như sau.
Thứ nhất, lỗi pin. Theo các chuyên gia, ngành công nghệ pin xe điện vẫn đang trong quá trình phát triển và đổi mới liên tục và chưa tiến tới giai đoạn hoàn thiện. Do đó, không khó để nhận thấy hàng loạt lỗi trong quá trình vận hành hay trong quy trình chế tạo pin đã được phát hiện.
Thông thường, đa phần các lỗi chỉ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của xe hay sụt giảm dung lượng pin, tuy nhiên một số lỗi nghiêm trọng hơn có thể gây cháy nổ, như hiện tượng đoản mạch giữa cực dương và cực âm của các cell pin.
>> PHEV bị chuyên gia chỉ trích “như một trò đùa”
Simon Moores, một lãnh đạo tại công ty tư vấn Benchmark Mineral Intelligence, thừa nhận ngành pin xe điện đang chật vật với nhiều thách thức về kiểm soát chất lượng, tăng hiệu suất và tăng công suất để đáp ứng nhu cầu pin ngày càng tăng.
Khi chưa tìm ra các giải pháp tuyệt đối cho pin, rủi ro có thể tăng lên khi các nhà sản xuất nỗ lực tăng hiệu suất và đạt tới ngưỡng giới hạn. Dù vậy, một loạt các công nghệ an toàn mới đang được nghiên cứu nhằm tăng tính an toàn của pin trong tương lai, như vật liệu cách điện hiệu suất cao hay sử dụng chất điện phân rắn.
Thứ hai, thói quen sử dụng. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ pin, như nhiệt độ môi trường, cường độ dòng phóng, cường độ dòng sạc (sạc nhanh hay thường), độ sâu xả, khoảng thời gian giữa các chu kỳ sạc đầy, theo các chuyên gia.
Những yếu tố này gắn với thói quen của người sử dụng, ví dụ như sạc đúng trạm sạc và cường độ dòng điện theo nhà sản xuất quy định sẽ giúp tuổi thọ pin được bền hơn cũng như hạn chế các vấn đề nảy sinh. Ngoài ra, việc sạc hoặc xả quá mức pin cũng sẽ tăng nguy cơ gây ra đoản mạch trong pin, làm nhiệt độ tăng đột ngột dễ gây cháy nổ, các nhà nghiên cứu chỉ ra.
Thứ ba, nhiệt độ môi trường. Đây vẫn luôn là vấn đề gây đau đầu cho các nhà sản xuất, đặc biệt tại những nơi có nền nhiệt cao. Nhiều chuyên gia xe cộ đồng tình rằng pin xe điện rất “nhạy cảm” với nhiệt độ môi trường, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng. Vận hành xe trong nhiệt độ cao không chỉ làm tuổi thọ của pin giảm mà nguy cơ hỏng hóc nghiêm trọng cũng cao hơn.
Thế nhưng, sẽ là sai lầm nếu cho rằng xe điện dễ cháy nổ hơn xe xăng. Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra tỉ lệ cháy nổ của xe điện không cao hơn, thậm chí thấp hơn so với xe động cơ đốt trong. Chính sự quan tâm của người tiêu dùng đến một sản phẩm mới khiến các vụ cháy nổ xe điện trở nên đáng chú ý hơn nhiều, theo các nhà phân tích.
Lấy một ví dụ, so sánh số vụ cháy trên 100.000 xe bán ra tại Mỹ, hãng bảo hiểm xe Auto Insurance EZ năm 2022 chỉ ra xe điện có 0,3% cháy nổ, so với 1,05% của xe xăng, lấy dữ liệu từ các cơ quan quản lý an toàn giao thông quốc gia Mỹ.