Ngày 17/11, Trung Quốc công bố mô hình mô phỏng hệ thống Trái đất được thiết kế để nghiên cứu về biến đổi khí hậu, hỗ trợ công tác ngăn ngừa và giảm nhẹ hậu quả thiên tai.
Mô hình mang tên CAS-ESM2.0 được Viện Vật lý Khí quyển thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc giới thiệu tại hội nghị khoa học mô hình số hệ thống Trái đất, lần đầu tiên được tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh. Mã nguồn của mô hình CAS-ESM2.0 cũng được công bố nhân dịp này.
Theo Nhật báo Khoa học và Công nghệ (Trung Quốc), CAS-ESM2.0 là mô hình hệ thống Trái đất đầu tiên mà nước này tự thiết kế. Đây là thành phần phần mềm cốt lõi của Cơ sở mô phỏng số hệ thống Trái đất – một trong những dự án cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ quốc gia lớn của Trung Quốc.
CAS-ESM2.0 có tổng cộng 2,7 triệu dòng mã chương trình mô phỏng. Mô hình này bao gồm các thành phần hoàn chỉnh của hệ thống khí hậu và hệ thống sinh thái môi trường, đồng thời có 8 nhánh mô hình hệ thống, trong đó bao gồm hoàn lưu khí quyển, hoàn lưu đại dương và băng biển.
CAS-ESM2.0 có thể được sử dụng để khám phá và nhận biết các quy luật tiến hóa của khí hậu và môi trường. Mô hình này cũng có thể được sử dụng để nghiên cứu cơ chế tương tác của các lớp Trái đất, dự báo những thay đổi trong tương lai của hệ thống Trái đất, cung cấp cơ sở ra quyết định và hỗ trợ khoa học công nghệ để phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai, cũng như giúp xây dựng các chiến lược quốc gia để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu trong tương lai.
Giới chức cảnh báo, Trung Quốc có dân số đông nhưng phân bố nước không đều khiến quốc gia này đặc biệt dễ bị ảnh hưởng trước biến đổi khí hậu, mặc dù Trung Quốc đang xây dựng cơ sở hạ tầng và chính sách để tăng cường khả năng phục hồi khí hậu. Năm 2015, Trung Quốc đã triển khai thí điểm “thành phố bọt biển” để giảm ngập úng và ngăn lũ lụt, với vỉa hè và nhựa đường thấm nước.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...