Làm thế nào để làm chậm lại tiến trình biến đổi khí hậu, hướng tới một tương lai bền vững, công nghệ năng lượng tái tạo được cho là câu trả lời cho câu hỏi này.
Thủy điện, dầu mỏ, than là những nguồn năng lượng truyền thống, trong đó, nhiên liệu hóa thạch tạo ra một lượng lớn khí nhà kính, dẫn đến nhiều hệ quả xấu cho môi trường. Đồng thời, những nguồn năng lượng truyền thống này cũng đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt.
Trong khi đó, sẵn có trong thiên nhiên là những nguồn năng lượng được cho là vô hạn như năng lượng mặt trời, gió, thủy triều, sóng, địa nhiệt… hoặc những nguồn năng lượng có thể tự tái tạo trong thời gian ngắn và liên tục như năng lượng sinh khối – dạng năng lượng được tạo thành từ nhiên liệu sinh học, chất hữu cơ.
Vì vậy, các quốc gia đã và đang tập trung nghiên cứu, phát triển công nghệ tạo ra những năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng xanh từ những nguồn năng lượng này.
Singapore sở hữu nhà máy điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới. Quốc gia này đặt mục tiêu năng lượng mặt trời sẽ cung cấp khoảng 3% tổng lượng điện tiêu thụ.
Tại châu Âu, Hà Lan là một trong các quốc gia đi đầu trong phát triển năng lượng tái tạo. Mục tiêu của Hà Lan là đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi có thể đạt 11,5 GW, đáp ứng tới 40% nhu cầu điện hiện tại.
Lhyfe – một công ty khởi nghiệp tại Pháp – vừa công bố sản xuất Hydro xanh từ nguồn điện do tuabin gió trên biển cung cấp. Mỗi trạm chứa một hệ thống điện phân, có khả năng biến đổi nước biển được khử muối tại chỗ thành khí Hydro và Oxy nhờ điện năng được cung cấp từ tuabin gió nổi nằm gần đó. Theo công ty, các trạm này có khả năng sản xuất 400 kg Hydro mỗi ngày, tương đương 1 MW năng lượng.
Tại các quốc gia khác trên thế giới, nhiều mô hình phát triển năng lượng tái tạo cũng được triển khai. Anh, Mỹ, Indonesia đã triển khai các dự án nhà máy điện địa nhiệt. Trong khi đó, Nhật Bản mới đây đã thử nghiệm hệ thống tạo năng lượng từ sức gió của các cơn bão.
Nhiều nhà khoa học, nhiều quốc gia đang trong cuộc chạy đua nhằm phát triển và làm chủ công nghệ sản xuất các nguồn năng lượng tái tạo mới, đưa vào ứng dụng rộng rãi trong đời sống để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nói riêng và thế giới nói chung.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...