Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện gấu hoang dã, trong bối cảnh ngày càng có nhiều vụ loài động vật này tấn công người.
Theo một nguồn tin chính phủ Nhật Bản, trong hệ thống này, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ xử lý các hình ảnh ghi được từ camera an ninh để phát hiện gấu và thông báo tới cơ quan chức năng. Đây là các camera giám sát và quản lý thảm họa hoặc thuộc sở hữu của các công ty tiện ích công cộng.
Kế hoạch thí điểm dự kiến sẽ được bắt đầu từ mùa Hè này ở tỉnh Toyama, miền Trung Nhật Bản. Nếu thử nghiệm cho thấy hiệu quả, hệ thống AI này sẽ được áp dụng tại các tỉnh khác nơi thường xuyên ghi nhận sự xuất hiện của gấu ở gần khu vực dân cư.
Ngoài ra, tỉnh Iwate ở Đông Bắc Nhật Bản cũng tiến hành một thử nghiệm giám sát gấu, bằng cách sử dụng các camera tự động có thể phát hiện chuyển động của động vật.
Tính trong năm tài chính vừa kết thúc tháng 3 vừa qua, tại 19 tỉnh của Nhật Bản đã xảy ra tổng cộng 198 vụ người dân bị gấu tấn công, khiến 219 người thương vong, trong đó có 6 người thiệt mạng. Đây là mức thiệt hại cao nhất kể từ năm tài chính 2006 khi các số liệu này bắt đầu được thu thập.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng gấu di chuyển tới khu vực của con người được cho là do nguồn thức ăn của gấu ngày càng khan hiếm.
Chính phủ Nhật Bản đang đẩy mạnh các biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng gấu tấn công người. Trong kế hoạch được soạn thảo hồi tháng 2 vừa qua, mấu chốt để ngăn chặn tình trạng này là việc nhanh chóng phát hiện gấu khi chúng xuất hiện ở những vùng đô thị cũng như kịp thời chia sẻ thông tin giữa cảnh sát và cộng đồng dân cư.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...