Bộ Tư pháp Mỹ cùng chính quyền 16 tiểu bang và các quận đã đệ đơn kiện Apple với cáo buộc về độc quyền thị trường điện thoại thông minh, gây thiệt hại cho các đối thủ.
Ngày 21/3, Bộ Tư pháp Mỹ cùng với 16 tổng chưởng lý tiểu bang và quận đã đệ đơn kiện Apple với cáo buộc rằng hệ sinh thái iPhone của công ty vi phạm luật chống độc quyền, gây bất lợi cho người tiêu dùng, nhà phát triển và các nhà sản xuất điện thoại thông minh khác.
Theo cáo buộc, Apple đã thực hiện nhiều hành vi khiến người dùng phải phụ thuộc nhiều hơn vào những chiếc iPhone của họ. Cụ thể, Táo khuyết đã áp đặt các hạn chế "có chọn lọc" trong hợp đồng đối với các nhà phát triển và từ chối những cách truy cập quan trọng vào điện thoại để ngăn chặn phát sinh sự cạnh tranh.
"Apple thực hiện sự độc quyền của mình để thu được nhiều tiền hơn từ người tiêu dùng, nhà phát triển, người sáng tạo nội dung, nghệ sĩ, nhà xuất bản, doanh nghiệp nhỏ và thương gia, cùng những người khác" - đơn kiện của Bộ Tư pháp Mỹ viết.
Bộ Tư Pháp mỹ cũng chỉ ra một số cách mà Apple duy trì sự độc quyền của mình như: phá vỡ các "siêu ứng dụng" tích hợp nhiều chương trình khác nhau; chặn các ứng dụng phát trực tuyến trên đám mây cho các game để giảm nhu cầu về phần cứng đắt tiền hơn; giảm chất lượng nhắn tin giữa iPhone và các nền tảng cạnh tranh như Android; hạn chế chức năng của đồng hồ thông minh của bên thứ ba với iPhone và khiến người dùng Apple Watch khó chuyển đổi từ iPhone sang thiết bị khác với lý do vấn đề tương thích; chặn các nhà phát triển bên thứ ba tạo ví tiền điện tử cạnh tranh với chức năng chạm để thanh toán cho iPhone...
Apple bị cáo buộc thực hiện nhiều hành vi khiến người dùng phải phụ thuộc nhiều hơn vào những chiếc iPhone (Ảnh minh họa: AP)
"Trong nhiều năm, Apple đã phản ứng với các mối đe dọa cạnh tranh bằng cách áp đặt một loạt quy tắc và hạn chế trong hợp đồng, cho phép Apple thu được nhiều hơn từ người tiêu dùng, áp đặt mức phí cao hơn đối với các nhà phát triển và người sáng tạo, đồng thời hạn chế các lựa chọn thay thế cạnh tranh từ các nhà phát triển, công nghệ của đối thủ" - Giám đốc bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ Jonathan Kanter cho biết trong một tuyên bố.
Vụ việc đang được đệ trình lên tòa án quận New Jersey của Mỹ. Các tổng chưởng lý từ New Jersey, Arizona, California, Connecticut, Maine, Michigan, Minnesota, New Hampshire, New York, North Dakota, Oklahoma, Oregon, Tennessee, Vermont, Wisconsin và District of Columbia đã cùng Bộ Tư pháp Mỹ tham gia khiếu nại.
Trong một tuyên bố mới đây, Apple cho biết, họ phản đối các cáo buộc trên.
"Vụ kiện đe dọa đến những nguyên tắc tạo nên sự khác biệt từ các sản phẩm của Apple trong thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt. Nếu vụ kiện thành công, nó sẽ cản trở chúng tôi tạo ra những công nghệ mà mọi người mong đợi từ Apple khi phần cứng, phần mềm và dịch vụ được giao thoa. Vụ kiện còn có thể tạo nên một tiền lệ nguy hiểm, trao quyền cho chính phủ can thiệp sâu vào việc thiết kế công nghệ dành cho con người" - một phát ngôn viên của Apple chia sẻ.
Châu Âu dường như đã đi trước Mỹ trong nỗ lực kiềm chế sự thống trị của Apple. EU đã thiết lập các quy tắc mới thông qua Đạo luật Thị trường kỹ thuật số để kiểm tra sức mạnh của những "người gác cổng" các nền tảng lớn, một số trong số đó do Apple vận hành.
Đầu tháng này, Ủy ban châu Âu đã phạt Apple 1,84 tỷ Euro (khoảng 2 tỷ USD) liên quan đến khiếu nại của Spotify về các hoạt động hạn chế của cửa hàng ứng dụng App Store. Theo kết quả điều tra của EU, Apple đã cấm các nhà phát triển ứng dụng phát nhạc trực tuyến thông báo đầy đủ cho người dùng iOS về các dịch vụ đăng ký nhạc thay thế và rẻ hơn có sẵn bên ngoài ứng dụng.
Trong phản hồi được công bố trên trang chủ, Apple đã quyết liệt phản đối quyết định của Ủy ban châu Âu. Công ty khẳng định, Spotify cũng như các dịch vụ phát nhạc trực tuyến khác đều đang phát triển mạnh tại châu Âu, một phần nhờ sự thúc đẩy từ App Store.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...