Hôm nay (8/3), Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức đấu giá băng tần 5G - khối băng tần B1, theo thông tin từ Cục Tần Số - Vô tuyến điện.
Việc triển khai 5G tại Việt Nam được xem là một bước quan trọng trong quá trình phát triển hạ tầng viễn thông và mạng di động.
Theo quy hoạch hạ tầng mới công bố, dự kiến đến năm 2025, tốc độ 5G tại Việt Nam sẽ đạt 100 megabit, và đến năm 2030, mạng 5G sẽ phủ sóng 99% dân số. Các nhà mạng Việt Nam cũng đã tiến hành thử nghiệm 5G trong vài năm qua, đồng thời đưa ra kế hoạch triển khai rộng rãi.
Trước đó, ngày 17/1, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500-2600 MHz và băng tần 3700-3900 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất theo tiêu chuẩn IMT.
Giá khởi điểm đấu giá băng tần cho các doanh nghiệp được xác định theo quy định tại Điều 18 Nghị định 63/2023/NĐ-CP. Doanh nghiệp trúng đấu giá được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm.
Băng tần 2500-2600 MHz được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-Advandced và các phiên bản tiếp theo, sử dụng phương thức song công phân chia theo thời gian (TDD) theo Thông tư số 18/2020/TT-BTTTT ngày 20/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về Quy hoạch băng tần 2300-2400 MHz và băng tần 2500-2690 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam.
Băng tần 3700-3900 MHz được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-2020 và các phiên bản tiếp theo, sử dụng phương thức song công phân chia theo thời gian (TDD) theo Thông tư số 13/2023/TT-BTTTT ngày 23/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về Quy hoạch băng tần 3560-4000 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng IMT của Việt Nam.
Để đáp ứng điều kiện sử dụng băng tần 2500-2600 MHz và băng tần 3700-3900 MHz, các doanh nghiệp được cấp phép cần tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan về thiết bị thu phát vô tuyến điện, an toàn bức xạ vô tuyến điện và tương thích điện từ trường.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phối hợp với tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép ở băng tần liền kề trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và phòng tránh nhiễu có hại; tuân thủ kết quả phối hợp quốc tế về tần số vô tuyến điện tại khu vực biên giới để tránh nhiễu có hại.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần thực hiện các quy định khác của Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Viễn thông và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Doanh nghiệp trúng đấu giá được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm.
Giá khởi điểm đấu giá băng tần cho các doanh nghiệp được xác định theo quy định tại Điều 18 Nghị định 63/2023/NĐ-CP. Cụ thể, giá khởi điểm của khối băng tần 2500-2600 MHz (Khối B1) cho 15 năm sử dụng là hơn 3.900 tỷ đồng.
Giá khởi điểm của khối băng tần 3700-3800 MHz (khối C2) cho 15 năm sử dụng là hơn 1.900 tỷ đồng.
Giá khởi điểm của khối băng tần 3800-3900 MHz cho 15 năm (khối C3) sử dụng là hơn 1.900 tỷ đồng.
Về thứ tự đấu giá các khối băng tần: Bộ sẽ tổ chức đấu giá khối băng tần B1 trước, sau đó đấu giá khối băng tần C3 và cuối cùng là khối băng tần C2. Mỗi doanh nghiệp được trúng tối đa 1 khối.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ TT&TT thông báo công khai phương án tổ chức đấu giá, tổ chức muốn tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500-2600 MHz và băng tần 3700-3900 MHz phải nộp hồ sơ đề nghị xác nhận đáp ứng điều kiện tham gia đấu giá tới Bộ TT&TT (Cục Viễn thông). Các hồ sơ nộp không đúng thời hạn trên sẽ không được tiếp nhận và giải quyết.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...