Lãnh đạo các quốc gia và những tên tuổi lớn trong ngành công nghệ đã đồng ý bắt tay với nhau để đưa ra một khuôn khổ chung phòng tránh những rủi ro AI có thể mang lại.
Kiểm soát, hoặc thậm chí nếu không kiểm soát được thì đối phó với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) như thế nào là những ý chính trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên về an toàn AI tại London, Anh.
“Các chính phủ có cùng chí hướng và các công ty trong lĩnh vực AI đã đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt ngày hôm nay. Chúng tôi sẽ cùng nhau thử nghiệm mức độ an toàn của các mô hình A.I mới trước khi chúng được phát hành”, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhấn mạnh.
Đây là lời phát biểu của Thủ tướng Anh Rishi Sunak trong cuộc họp báo bế mạc Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về an toàn trí tuệ nhân tạo (AI) diễn ra 2 ngày tại London, Anh.
Ông Sunak ca ngợi những thành tựu của cuộc họp, bao gồm “tuyên bố Bletchley” – cam kết của các quốc gia đặt mục tiêu giải quyết các mối đe dọa lớn nhất từ AI, thỏa thuận kiểm tra các mô hình AI của các công ty công nghệ trước khi phát hành và thỏa thuận triệu tập một hội đồng chuyên gia toàn cầu về AI.
Quyết định này được đưa ra sau hàng loạt các cảnh báo mạnh mẽ đến từ các nhân vật công nghệ hàng đầu. Đáng chú ý là nhà sáng lập hãng xe điện Tesla, kiêm ông chủ mạng xã hội X – tỷ phú Elon Musk.
Trí tuệ nhân tạo mang lại những cơ hội to lớn, nhưng việc cố ý lạm dụng sẽ gây ra rủi ro đáng kể. (Ảnh minh họa – Ảnh: TTXVN)
“Lần đầu tiên trong lịch sử loài người chúng ta thực sự đối mặt với một thứ sẽ thông minh hơn chúng ta rất nhiều. Tôi không rõ chúng ta có thể thực sự kiểm soát nó thế nào, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể hy vọng đưa nó theo hướng có lợi cho nhân loại. Tôi thực sự nghĩ nó là một trong những nguy cơ đối với sự tồn tại của con người, có thể là nguy cơ lớn nhất”, ông Elon Musk, Tổng Giám đốc Tesla và X, nhận định.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tham dự hội nghị thượng đỉnh, nhấn mạnh các bước chính quyền Tổng thống Biden đã thực hiện để buộc các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm. Trong đó, mới nhất là Mỹ đã thông báo thành lập Viện An toàn trí tuệ nhân tạo, nhằm đánh giá mức độ an toàn của các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến, cũng như phát triển các tiêu chuẩn liên quan để nhận biết và xác thực nội dung do AI tạo ra.
Bà Harris cũng cho rằng “hành động quyết liệt của Mỹ sẽ truyền cảm hứng và mang tính hướng dẫn cho các quốc gia khác”.
“Trí tuệ nhân tạo (AI) có tiềm năng làm được những điều tốt đẹp sâu sắc. Nó cũng có khả năng gây ra tác hại sâu sắc. Từ các cuộc tấn công mạng được kích hoạt bởi AI ở quy mô vượt xa bất cứ điều gì chúng ta từng thấy trước đây, cho đến các vũ khí sinh học do AI tạo ra có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của hàng triệu người. Những mối đe dọa này rõ ràng là rất sâu sắc và đòi hỏi phải có hành động toàn cầu”, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết.
Theo ước tính của các chuyên gia, đến năm 2028, giá trị thị trường AI có thể vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD, điều đó đồng nghĩa với việc xây dựng hành lang pháp lý nhằm kiểm soát và ngăn ngừa những nguy cơ tiềm ẩn từ AI ngày càng cấp thiết. Liên Hợp Quốc từng khẳng định, các công nghệ AI cần được giám sát chặt chẽ, cho dù công nghệ phát triển đến mức nào cũng phải bảo đảm khía cạnh quyền con người luôn là yếu tố trung tâm.
Không chỉ dừng lại tại Hội nghị thượng đỉnh an toàn AI lần này, lãnh đạo các nước đã nhất trí tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về AI ở Hàn Quốc trong 6 tháng tới và sau đó là một hội nghị trực tiếp về AI trong vòng một năm tới ở Pháp.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...