“Tuyên bố Bletchley” do 28 quốc gia ký kết, được công bố ngay trong ngày đầu tiên của Hội nghị Cấp cao an toàn AI toàn cầu.
Trong hai ngày (1 và 2/11), Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên đã được tổ chức tại Bletchley Park, Vương quốc Anh, với sự tham dự của khoảng 100 đại biểu là các nhà lãnh đạo từ 28 quốc gia, đại diện các công ty công nghệ hàng đầu, các học giả và các thành phần khác.
Đáng chú ý, nước chủ nhà đã công bố “Tuyên bố Bletchley”, được nhất trí với các nước như Mỹ và Trung Quốc, nhằm thúc đẩy các nỗ lực phối hợp toàn cầu để đảm bảo an toàn trong lĩnh vực AI. “Tuyên bố Bletchley” do 28 quốc gia ký kết, được công bố ngay trong ngày đầu tiên của Hội nghị Cấp cao an toàn AI toàn cầu.
Chính phủ Anh nêu rõ, nội dung tuyên bố bao trọn những mục tiêu chính của hội nghị về phát huy tinh thần đồng thuận và trách nhiệm chung liên quan những rủi ro, cơ hội và tiến trình thúc đẩy hợp tác quốc tế trong đảm bảo sử dụng và nghiên cứu AI an toàn, đặc biệt là thông qua tăng cường hợp tác khoa học.
Tuyên bố khuyến khích sự minh bạch và trách nhiệm từ các bên có ý định phát triển công nghệ AI trong các kế hoạch, để đánh giá, giám sát và giảm thiểu những tác hại có thể xảy ra, đồng thời vạch ra chương trình nghị sự gồm hai mũi nhọn tập trung nhận diện các rủi ro chung và củng cố hiểu biết khoa học về những rủi ro này cũng như xây dựng các chính sách xuyên quốc gia để giảm thiểu rủi ro.
Hợp tác để giám sát trí tuệ nhân tạo
Sự phát triển của AI đã được công nhận rộng rãi như một minh chứng về sức mạnh toàn diện của từng quốc gia thông qua năng lực thực hiện đổi mới, sáng tạo. Tuy nhiên, nó cũng như con dao hai lưỡi. Các nhà lãnh đạo chính trị và giới chuyên gia cũng cảnh báo sự phát triển của công nghệ này, nếu vượt quá tầm kiểm soát của con người, sẽ là nguy cơ không nhỏ đối với thế giới. Do đó, rất cần sự hợp tác và thiết lập một cách tiếp cận chung để giám sát AI.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak: “Hàng chục quốc gia ký kết bản ghi nhớ đầu tiên về AI cho rằng chúng ta cần phát triển sự hiểu biết chung về những rủi ro mà công nghệ AI tiên tiến đặt ra và phải cùng hợp tác để phát triển sự hiểu biết chung về chúng cũng như cách quản lý chúng”.
Nhà vua Anh Charles III: “AI có tiềm năng biến đổi hoàn toàn cuộc sống như chúng ta biết. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhận ra những lợi ích chưa từng thấy của AI, thì chúng ta cũng phải hợp tác để chống lại những rủi ro đáng kể của nó. Có một mệnh lệnh rõ ràng là phải đảm bảo rằng công nghệ đang phát triển nhanh chóng này vẫn an toàn và chắc chắn. Và bởi vì AI không có ranh giới nên sứ mệnh này đòi hỏi sự phối hợp và hợp tác quốc tế trong nỗ lực toàn cầu này”.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris: “Trí tuệ nhân tạo (AI) có tiềm năng làm được những điều tốt đẹp sâu sắc, nó cũng có khả năng gây ra tác hại sâu sắc. Từ các cuộc tấn công mạng được kích hoạt bởi AI ở quy mô vượt xa bất cứ điều gì chúng ta từng thấy trước đây, cho đến các vũ khí sinh học do AI tạo ra có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của hàng triệu người. Những mối đe dọa này thường được coi là mối đe dọa hiện hữu của AI, bởi vì chúng có thể gây nguy hiểm cho chính sự tồn tại của loài người. Những mối đe dọa này rõ ràng là rất sâu sắc và đòi hỏi phải có hành động toàn cầu”.
Ông Yoshua Bengio – Nhà khoa học máy tính – “Cha đẻ” của trí tuệ nhân tạo: “Một thông điệp mà tôi nghĩ cần được lắng nghe và thảo luận nhiều hơn là những giới hạn của khoa học liên quan đến sự an toàn của hệ thống AI. Hiện tại, chúng ta không biết được rằng hệ thống AI có hoạt động như dự định và an toàn hay không. Đây là một vấn đề lớn bởi chúng ta đang xây dựng AI. Vì vậy, ở cấp độ quốc tế, chúng ta cần có một tiêu chuẩn cao hơn, rằng các công ty phải chứng minh được rằng họ biết những thứ đó là hợp lý về mặt khoa học trước khi chúng được xây dựng”.
Ông Poppy Gustafsson – Giám đốc Công ty an ninh mạng Darktrace: “Sự hợp tác là điều cần thiết. AI có sức lan tỏa, nó không phải là thứ nằm trong một quốc gia hay có ranh giới cụ thể. Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và khu vực tư nhân. Khu vực công rõ ràng có xu hướng quan tâm và nhận thức rõ hơn về quản trị, trong khi doanh nghiệp tư nhân có xu hướng chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc xây dựng công nghệ thực tế”.
Cuộc đua quản lý trí tuệ nhân tạo
Trước những nỗ lực hợp tác toàn cầu trong quản lý rủi ro từ trí tuệ nhân tạo, ở quy mô quốc gia, chính phủ nhiều nước cũng đang nỗ lực quản lý công nghệ đang phát triển “quá nhanh, quá nguy hiểm” này.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 26/10 thông báo, nước này sẽ thành lập Viện An toàn trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên trên thế giới. Viện này sẽ kiểm tra, đánh giá và thử nghiệm các loại hình mới của AI để nắm bắt khả năng của từng mô hình mới, xác định tất cả các rủi ro từ những tác hại đối với xã hội như quan điểm thiên vị và thông tin sai lệch cho đến những nguy cơ cao nhất. Theo ông Sunak, Chính phủ Anh không vội vã kiểm soát AI, mà sẽ xây dựng năng lực hàng đầu thế giới nhằm nắm bắt và đánh giá độ an toàn của các mô hình AI trong phạm vi quốc gia.
Tiếp bước Anh, vào ngày hôm qua, Mỹ cũng thông báo thành lập Viện An toàn trí tuệ nhân tạo. Cơ quan này sẽ dẫn dắt các nỗ lực của chính phủ trong việc đánh giá mức độ an toàn của các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến cũng như phát triển các tiêu chuẩn liên quan để nhận biết và xác thực nội dung do AI tạo ra, cũng như cung cấp nền tảng thử nghiệm cho các nhà nghiên cứu khám phá và thăm dò rủi ro của các mô hình AI.
Trước đó, Tổng thống Joe Biden ngày 30/10 đã ký sắc lệnh hành pháp về trí tuệ nhân tạo. Sắc lệnh đầy tham vọng nhằm đưa Mỹ dẫn đầu thế giới trong nỗ lực quản lý những rủi ro từ AI, yêu cầu đặt ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt để thử nghiệm AI trước khi ra mắt.
Trung Quốc, đối thủ AI của Mỹ, cũng đã đưa ra một số quy định. Trong năm nay, Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc đã ban hành các biện pháp hành chính tạm thời đối với dịch vụ AI tạo sinh, đóng vai trò hướng dẫn về cách quản lý công nghệ này trong lúc chờ đợi một bộ luật chính thức về AI mà nước này đang xây dựng.
Trong khi đó, Nghị viện châu Âu đã thông qua Đạo luật AI và đạo luật này đang chờ các nước thành viên EU phê chuẩn. Bộ quy định toàn diện của EU sẽ bắt các ứng dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất phải chịu những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất.
Đầu tuần này, các quan chức nhóm G7 cũng đã nhất trí về một bộ nguyên tắc an toàn AI và quy tắc ứng xử tự nguyện dành cho các nhà phát triển AI. Với mức độ phủ sóng gia tăng nhanh chóng, đồng thời là chủ đề thảo luận chủ đạo của năm 2023, nhà xuất bản từ điển Collins (Anh) đã chọn AI – chữ viết tắt của cụm từ “trí tuệ nhân tạo” – là từ khóa của năm 2023.
Theo ước tính của các chuyên gia, đến năm 2028, giá trị thị trường AI có thể vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD, điều đó đồng nghĩa việc xây dựng hành lang pháp lý nhằm kiểm soát và ngăn ngừa những nguy cơ tiềm ẩn từ AI ngày càng cấp thiết. Liên hợp quốc từng khẳng định, các công nghệ AI cần được giám sát chặt chẽ, cho dù công nghệ phát triển đến mức nào cũng phải bảo đảm khía cạnh quyền con người luôn là yếu tố trung tâm.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...