MobiFone là một trong những nhà mạng kì cựu trên thị trường viễn thông. Tuy nhiên, bước ngoặt ghi nhận trong thời gian gần đây ở nhà mạng này lại đến từ sự hợp tác với một số đối tác để tiến vào thị trường IoT (Internet of Things) hướng tới việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số đa lĩnh vực đang có nhiều tiềm năng phát triển. Việc nắm bắt cơ hội kinh doanh mới ngoài viễn thông giúp nhà mạng đa dạng hóa ngành nghề, tạo thêm doanh thu và tăng cường tiếp cận khách hàng.
Không chỉ MobiFone, các nhà mạng còn lại cũng đã và đang tích cực định vị lại thị trường để trở thành nhà cung cấp công nghệ toàn diện trong bối cảnh sự phát triển của các dịch vụ OTT, VoLTE đã dẫn đến mảng kinh doanh cốt lõi của các nhà mạng là viễn thông giảm mạnh. Xu hướng tiêu dùng data bùng nổ và sự phát triển công nghệ di động 5G đã tạo những áp lực lớn cho các nhà mạng trong việc cân bằng mục tiêu đầu tư phát triển với gánh nặng đáp ứng nguồn vốn – tài chính cho các mục tiêu tăng trưởng (doanh thu, lợi nhuận hàng năm).
Ông Nguyễn Tuấn Huy – Trưởng ban Công nghệ thông tin của MobiFone chia sẻ: công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn do viễn thông thoái trào, doanh nghiệp cũng phải thực hiện hành trình chuyển đổi số cho chính mình.
Hành trình đó, theo ông Nguyễn Tuấn Huy được MobiFone thực hiện trong khoảng gần hai năm trở lại đây. Đó là thời điểm Bộ Thông tin và Truyền thông giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp viễn thông đảm nhiệm thêm vai trò và trách nhiệm là nền tảng của hạ tầng số, thanh toán số, mobile money, hạ tầng cho chuyển đổi số, tiến tới làm chủ các công nghệ nền tảng cho chuyển đổi số.
Sau một thời gian chuyển đổi số, MobiFone đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên có Ban chuyển đổi số được thành lập và đưa vào hoạt động từ giữa năm 2023 với tiền thân là Ban công nghệ thông tin. “Với việc thành lập bộ phận chuyên trách về chuyển đổi số cho thấy chúng tôi đã thay đổi mạnh mẽ. Sự thay đổi diễn ra trên 6 lĩnh vực, cả chiều khách hàng lẫn chiều quản trị, bào gồm đầu tư, điều hành doanh nghiệp, công nghệ, chiến lược, văn hóa và dữ liệu” – ông Nguyễn Tuấn Huy cho biết thêm
Quá trình chuyển đổi từ những doanh nghiệp viễn thông sang doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số và dịch vụ công nghệ thông tin đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trên các trụ cột chính: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Các nhà mạng lớn như Viettel, VNPT, MobiFone đều trở thành các nhà cung cấp giải pháp số với hệ sinh thái số đa dạng ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, các sản phẩm, dịch vụ số trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, tài chính… đã mang về doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Thậm chí, có sản phẩm dịch vụ số trong giáo dục đã bước đầu xuất khẩu, cho thấy, chuyển đổi số của chính doanh nghiệp viễn thông đã mang lại hướng phát triển mới.
Tuy nhiên, tăng trưởng nhanh ở lĩnh vực chuyển đổi số đang rất “hot” cũng đi liền với thách thức. Trong đó mấu chốt là đội ngũ nhân lực chất lượng trong khi nguồn cung hạn chế mà các doanh nghiệp không thể tự mình giải quyết trong ngày một ngày hai. Thứ nữa là việc nghiên cứu, phát triển công nghệ và kết nối hợp tác doanh nghiệp với doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức… để đưa nền tảng số đến rộng rãi, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.