Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tự động hóa được xem là công nghệ quan trọng, tranh thủ tận dụng tiến bộ của các ngành khác như: AI, bán dẫn, IoT, Bigdata, công nghệ số để thúc đẩy chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
Tự động hóa (Automation) được hiểu là quá trình sử dụng công nghệ và hệ thống để thực hiện các công việc mà trước đây thường đòi hỏi sự can thiệp thủ công hoặc sự tham gia của con người. Mục tiêu chính của tự động hóa là tăng cường hiệu suất, độ chính xác, an toàn và tự động hóa quy trình làm việc, thông qua ứng dụng các công cụ, kỹ thuật như: máy tính, cảm biến, hệ thống điều khiển, robot, qua đó, giảm thiểu vai trò của con người một cách tối đa.
Việc ứng dụng tự động hóa giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Tự động hóa đang được ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau: Công nghiệp sản xuất, gia công cơ khí, dây chuyền lắp ráp tự động, ứng dụng kiểm soát chất lượng…
Sự kết hợp của công nghệ trí tuệ AI trong lĩnh vực tự động hóa với robot được xem là một trong những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, bao trùm nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm ứng dụng trong sản xuất tạo đột phá cho các doanh nghiệp, ngành nghề khác nhau.
Những năm gần đây, tự động hóa đã trở thành xu hướng mà nhiều doanh nghiệp hướng tới. Tự động hoá đang đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần chuyển dịch hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM (VCCI HCM) cho biết, trong những năm gần đây, tự động hóa đã trở thành xu hướng mà nhiều doanh nghiệp hướng tới và trở thành nền tảng cho sự phát triển bền vững. Thị trường tự động hóa dự kiến tăng trưởng gấp 3 lần trong 5 năm tới. Theo số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Research and Markets và Zion Market Research, dự báo thị trường siêu tự động hóa sẽ chạm mốc 26 tỷ USD vào năm 2028. Thị trường robot công nghiệp dự kiến sẽ tăng từ 15,7 tỷ USD vào năm 2022 lên 30,8 tỷ USD vào năm 2027.
Theo thống kê có tới hơn 90% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam áp dụng công nghệ tự động hoá để tăng cường năng lực sản xuất, kinh doanh. Ông Liêm cho rằng, nhờ sự phát triển của Internet và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà tự động hóa được xem là một yếu tố then chốt, tất yếu để giúp các doanh nghiệp phát triển và nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường.
Nhấn mạnh về vai trò đặc biệt quan trọng của tự động hoá trong thúc đẩy chuyển đổi số bền vững, ông Bùi Thanh Kế, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ TECHPRO cho rằng, ứng dụng chuyển đổi số nhà máy, hướng tới sản xuất xanh và bền vững là xu thế tất yếu để các doanh nghiệp phát triển và hội nhập.
Theo ông Kế, chuyển đổi số đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thông qua tự động hóa và tối ưu hóa quy trình, giúp cải thiện trải nghiệm khách hàng bằng cách cung cấp dịch vụ cá nhân hóa và duy trì kết nối liên tục. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể tạo ra mô hình kinh doanh mới, tiếp cận thị trường toàn cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ công nghệ số.
Đồng hành cùng chương trình chuyển đổi số quốc gia
TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam chia sẻ, Nghị quyết 52/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo sức sống mới cho các ngành nghề. Trong hoạt động chuyển đổi số đã có nhiều công nghệ được áp dụng, trong đó tự động hóa là công nghệ nền tảng.
"Tự động hóa là công nghệ quan trọng, tranh thủ tận dụng được các tiến bộ của các ngành khác như AI, bán dẫn, IoT, Bigdata, công nghệ số để tận dụng được các tiến bộ công nghệ phát triển tự động hóa. Kỳ vọng rằng trong tương lai những công nghệ sẽ đồng hành được với giới doanh nghiệp và các nhà khoa học để tham gia cùng chương trình chuyển đổi số quốc gia", ông Quân nói.
Chia sẻ tại Hội nghị khoa học về Điều khiển Tự động hóa lần thứ 7 (VCCA 2024), diễn ra ngày 10/5/2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn quan tâm đến khoa học và công nghệ, coi khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, trong đó tự động hóa đã được xác định là một trong những công nghệ cao, hướng công nghệ ưu tiên trong Luật Công nghệ cao và Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2021-2030.
Khoa học và Công nghệ thay đổi hàng ngày, đặc biệt lĩnh vực tự động hóa, do vậy, danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao luôn luôn được cập nhật trong các chính sách của Chính phủ.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, Hội Tự động hóa Việt Nam với vai trò là đầu mối tập hợp và đoàn kết trí thức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước cần tăng cường hơn nữa việc kết nối, chuyển giao công nghệ từ các nhà cung cấp công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Qua đó, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực điều khiển, tự động hóa. Trong đó, chú trọng phát triển sản xuất thông minh, tích hợp công nghệ quản lý trong doanh nghiệp; ứng dụng “tự động hóa và chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế xanh” trên nền tảng số, kết hợp xử lý dữ liệu lớn bằng AI, Cloud, Blockchain, Robot, UAV.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng đề nghị Hội Tự động hoá Việt Nam phối hợp cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua các Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia đẩy mạnh hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực tự động hóa thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, cải tiến công nghệ và chuyển đổi số theo hướng xanh, sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...