Giả mạo hàng loạt Facebook du học sinh để lừa đảo

10:24 - 29/05/2024

Những kẻ lừa đảo lập tài khoản Facebook giả mạo du học sinh hoặc người đi làm, định cư ở nước ngoài, kết bạn với bạn bè, người thân của họ, sau đó nhắn tin lừa chuyển tiền từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng với những hình thức và lý do khó phân biệt thật/giả.

"Ba/mẹ ơi, con có chuyện cần bàn..."

Cứ cách vài ngày lại có một du học sinh đăng bài viết cảnh báo việc Facebook mình bị giả mạo và có người sử dụng để lừa đảo người thân. Những kẻ lừa đảo sẽ bắt đầu đoạn hội thoại bằng tin nhắn Facebook như sau: "Ba/mẹ ơi con có chuyện cần bàn". Và sau đó là một loạt chiêu thức lừa đảo tiền từ người thân của các du học sinh hoặc những người đang làm việc, định cư ở nước ngoài.

Lý do thường xoay quanh việc giả vờ nhận tiền (ngoại tệ) ở nước ngoài vì cần tiền hoặc muốn lấy lãi từ việc chuyển đổi ngoại tệ, và nhờ người thân chuyển tiền lại cho một tài khoản ở Việt Nam. Việc lừa đảo sẽ từ vài triệu đồng lên đến cả trăm triệu đồng. Những kẻ lừa đảo còn tinh vi đến mức sẽ giả vờ gọi hình (video call) đến người thân nhưng hình ảnh, âm thanh không rõ ràng vì mạng yếu.

Giả mạo hàng loạt Facebook du học sinh để lừa đảo

Giả mạo tài khoản trên Facebook để lừa chuyển tiền từ Việt Nam

CHỤP MÀN HÌNH

Dựa vào thông tin đăng trên Facebook ở chế độ công khai

Những kẻ lừa đảo thường nhằm vào du học sinh và những người đang làm việc, định cư ở nước ngoài. Nhưng làm sao chúng biết được việc này? Chính là nhờ vào thông tin mà du học sinh và những người đang làm việc, định cư ở nước ngoài đăng tải trên Facebook và để chế độ công khai. Chính vì thế, một số người đang ở Việt Nam nhưng để nơi sống ở nước ngoài cũng trở thành "con mồi".

Những hình ảnh, bài đăng được công khai sẽ là thông tin đáng giá cho những kẻ lừa đảo giả mạo danh tính. Họ thậm chí sẽ theo dõi cách xưng hô để nhận biết đâu là người thân (cha mẹ, anh chị, ông bà, cô bác) của nạn nhân để tiến hành lừa đảo.

Cao Hoàng Minh Triết (đang làm việc tại Texas, Mỹ) cho biết, kẻ lừa đảo đã theo dõi và biết tình trạng hôn nhân (đã lấy vợ) thông qua những bài đăng công khai, từ đó khi nhắn tin cho gia đình tại Việt Nam với cách xưng hô "vợ chồng con" và lấy lý do "nhiều người (ở Mỹ) hết visa không chuyển tiền về Việt Nam được" nên sẽ làm dịch vụ nhận tiền tại Mỹ và chuyển tiền từ Việt Nam, lấy phí 7%. Giang cho biết kẻ lừa đảo sử dụng hình ảnh đại diện giống tài khoản Facebook thật nên rất dễ nhầm lẫn. May mắn, mẹ anh nhận ra cách xưng hô không bình thường và kẻ lừa đảo không nhấc máy cuộc gọi hình ảnh nên nghi ngờ và gọi ngay cho con trai. Sau đó, Triết đã tiến hành "báo cáo" (report) tài khoản giả mạo.

Phạm Nguyễn Thảo Uyên (đang làm việc tại Anh), người từng rơi vào tình huống này 3 lần, cho rằng đây là việc lừa đảo "có chuẩn bị, nghiên cứu trước" vì biết rõ Uyên (khi đó còn là du học sinh) đang học trường nào ở Anh, ngành gì, và tên ở nhà là gì. Trong khi đó phụ huynh ở Việt Nam rất lo và thương con nên dễ mắc bẫy. Tuy nhiên, do hàng ngày bạn và mẹ có những cách xưng hô vui vẻ, không khoảng cách, ít khi xưng "mẹ - con" nên khi kẻ lừa đảo nhắn tin, mẹ bạn đã giật mình nhận ra điểm đáng ngờ.

Tương tự, Đặng Thái Hà (du học sinh tại Úc) cho biết lợi dụng việc thương và lo cho con, đặc biệt việc tiền bạc khá quan trọng với du học sinh, kẻ lừa đảo rất dễ đạt được mục đích, kèm với việc nhắn tin nghiêm túc cho thấy việc chuyển tiền rất quan trọng. Hà kể: "Kẻ lừa đảo không chỉ nhắn cho mẹ và ba mà còn đến nhiều người họ hàng khác, và rất nhiều lần, từ những khoản nhỏ cho đến 90 triệu đồng".

Ngoài giả mạo tài khoản với hình ảnh và cách xưng hô tương tự, việc Facebook vừa thay đổi tính năng mã hóa đầu cuối của ứng dụng tin nhắn (Messenger) cũng khiến phụ huynh dễ nhầm lẫn và tin vào kẻ lừa đảo do không hiển thị tin nhắn cũ từ cả Facebook thật và giả.

Giả mạo hàng loạt Facebook du học sinh để lừa đảo

Phụ huynh rất lo và thương con nên dễ mắc bẫy

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

 

Phòng tránh, xử lý ra sao?

Thảo Uyên cho biết không nên công khai những thông tin riêng tư, định danh như trường hay ngành học vì sẽ "tiếp tay" cho hành vi lừa đảo chính người thân của mình. Bạn cũng dặn dò gia đình, đặc biệt là ba mẹ, hạn chế đăng tải ở chế độ công khai và có một "mật khẩu" để xác minh phải đúng là bạn hay không.

Còn Thái Hà đã cảnh báo người thân rằng chỉ dùng 1 tài khoản Facebook và "giao kèo" với ba mẹ rằng nếu liên quan đến tiền bạc sẽ gọi trực tiếp, bằng các kênh thông tin khác nhau. Thường xuyên liên lạc, trao đổi qua các kênh khác nhau (ngoài Facebook) cũng là cách kiểm tra thực/hư hiệu quả khi phụ huynh không phân biệt được Facebook chính chủ và kẻ giả mạo.

Chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh, chuyên viên chính Trung tâm Dịch vụ an toàn thông tin, Công ty An ninh mạng Viettel, nhận định đây là hình thức lừa đảo quen thuộc đã nhiều năm và đưa ra một số lời khuyên. 

Thứ nhất, nếu có ai vay mượn tiền qua mạng hay nhờ chuyển khoản thì nên kiểm tra số tài khoản ngân hàng. Thứ hai, cần gọi hình ảnh (video call) để xác nhận người thật, bao gồm hình ảnh sắc nét và giọng nói rõ ràng. Thứ ba, nếu có kênh liên lạc khác ngoài Facebook, thì nên liên lạc với người ở nước ngoài qua các kênh đó để xác minh thông tin.

Anh Tuấn Anh cũng cho biết, sau khi đã chuyển khoản, khả năng lấy lại tiền là rất thấp vì các đối tượng sẽ rửa tiền bằng những hình khác nhau như sử dụng tài khoản trung gian qua các kênh nạp điện tử, mua bán tài khoản ngân hàng với thông tin định danh giả,... "Với số tiền lớn thì nên báo công an sở tại để họ nắm thông tin và tổng hợp các vụ án giống nhau thành chuyên án điều tra", anh Tuấn Anh khuyên.

Nguyễn Tài Thành Long (đang làm việc tại Malaysia), người từng bị giả mạo 1 lần và bị lừa 1 lần, cho biết, khi phụ huynh thấy tài khoản ngân hàng không phải tên con mình thì nhất định không được chuyển. Long cũng chỉ ra điểm bất cập từ phía các ngân hàng. Khi Long gọi đến tổng đài và thông báo về hành vi lừa đảo, tổng đài viên đã từ chối hỗ trợ và yêu cầu liên hệ công an vì đó không phải là việc của ngân hàng.

Trao đổi bằng văn bản qua email với Báo Thanh Niên, đại diện Ngân hàng Vietcombank cho biết nếu khách hàng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân người lừa đảo, thì ngân hàng "không thể cung cấp do quy định pháp luật về bảo mật thông tin."Tuy nhiên, phía ngân hàng có những cách hỗ trợ khách hàng (tức người gửi bằng tài khoản Vietcombank) khác nhau tùy vào từng trường hợp: đã/chưa có kết luận cơ quan điều tra, người nhận có chung/khác ngân hàng, và trạng thái giao dịch".

Giả mạo hàng loạt Facebook du học sinh để lừa đảo

Những cách hỗ trợ khách hàng từ ngân hàng

CHỤP MÀN HÌNH

Những địa chỉ cần liên hệ khi nghi ngờ lừa đảo trực tuyến

Về phía cơ quan chức năng, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông có phát hành Cẩm nang Nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, bao gồm đầy đủ thông tin về các dấu hiệu nhận biết và phòng tránh, cũng như cách xử lý khi rơi vào tình huống ngoài ý muốn tại mục "Phải làm gì khi đã bị lừa đảo trực tuyến". Đặc biệt, cẩm nang cũng có thông tin của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về an ninh mạng, an toàn thông tin:

  1. Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) Bộ Công an; hoặc Cục Cảnh sát hình sự (C02) trực thuộc Bộ Công an. Tại mỗi địa phương, liên hệ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05).
  2. Cục An toàn thông tin (AIS), trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Cục An toàn thông tin là cơ quan quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về an toàn thông tin, điện thoại 024 3209 6789; email ais@mic.gov.vn.
  3. Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng (Bộ Tư lệnh 86), Bộ Quốc phòng Việt Nam.
  4. Bên cạnh đó là sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại 63 tỉnh/thành phố.
  5. Hiệp hội An toàn thông tin VN (VNISA), số điện thoại: 024 62901028; email info@vnisa.org.vn.
  6. Các doanh nghiệp an toàn thông tin của VN: Bkav, VNPT Cyber Immunity, Viettel Cyber Security, CMC Cyber Security, FPT IS, HPT, MISOFT và VNCS...
  7. Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng do Cục An toàn thông tin (AIS) và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì điều phối cùng 8 đơn vị sáng lập VNPT, Viettel, MobiFone, CMC, Bkav, VNG, TikTok và Cốc Cốc.
 
 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Báo Thù: Bí mật đằng sau những âm mưu và tội ác chồng chất

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...