Sau 2 tuần ra rạp, Domino: Lối thoát cuối cùng, bộ phim hành động của đạo diễn Nguyễn Phúc Huy Cương với diễn xuất chính của Thuận Nguyễn được quay tại Mỹ, chỉ thu về 596 triệu đồng - lỗ nặng và hiện không còn chiếu tại các rạp.
Theo đánh giá của nhiều khán giả, Domino: Lối thoát cuối cùng theo mô típ kịch bản quá cũ: băng nhóm xã hội đen thanh toán nhau tranh giành lãnh địa. Dù phim được quay chỉn chu với các pha hành động khốc liệt nhưng cách thể hiện không có gì khác biệt so với những phim hành động thập niên 1990 nên khó thu hút khán giả.
"Đả nữ" Ngô Thanh Vân thành danh nhờ vai diễn đầu tiên ở thể loại phim hành động với Dòng máu anh hùng (2007). Sau đó, Ngô Thanh Vân làm đạo diễn kiêm đóng chính trong Hai Phượng (kinh phí sản xuất khoảng 22 tỉ đồng) ra rạp năm 2019, thu về 10 triệu USD toàn cầu, tương đương khoảng 237 tỉ đồng, riêng tại VN phim đạt hơn 122,8 tỉ đồng (theo Box Office Vietnam).
Tuy nhiên, tác phẩm hành động tiếp theo cũng do Ngô Thanh Vân đạo diễn và tham gia diễn xuất là Thanh Sói (2022) lại thất bại nặng về doanh thu khi chỉ đạt 22,9 tỉ đồng trong khi kinh phí sản xuất lên đến 46 tỉ đồng. Đây là nguyên nhân khiến "đả nữ" rút khỏi làng phim Việt, chuyển hướng sang kinh doanh nhà hàng. Liên lạc với Ngô Thanh Vân, cô chia sẻ: "Không còn làm phim nữa nên cũng không muốn bình luận gì về điện ảnh. Giờ chỉ toàn tâm toàn ý cho việc kinh doanh nhà hàng".
Trước đó, hàng loạt phim hành động ra rạp cũng thất bại về doanh thu. Võ sinh đại chiến (2021) có kinh phí sản xuất, quảng bá lên đến 25 tỉ đồng chỉ thu 1,8 tỉ đồng. Năm 2022, 578 - phát đạn của kẻ điên được công chiếu. Phim do Lương Đình Dũng đạo diễn, kinh phí sản xuất 60 tỉ đồng, thu về 3,54 tỉ đồng. Truy sát (2016) do Trương Ngọc Ánh đầu tư khoảng 22 tỉ đồng và đóng chính. Tuy nhiên, với kịch bản lỏng lẻo, hời hợt, bộ phim đã không thể kéo được nhiều khán giả đến rạp.
Nhìn nhận thêm về thể loại phim hành động, Bẫy rồng (2009) có Ngô Thanh Vân đóng chính, đầu tư gần 20 tỉ đồng, thu về 12 tỉ đồng. Thiên mệnh anh hùng (2012) do Victor Vũ đạo diễn chung số phận khi kinh phí sản xuất lên đến 25 tỉ đồng, thu được 16 tỉ đồng. Năm 2016, Găng tay đỏ của đạo diễn Nguyễn Tuấn Anh có kinh phí 15 tỉ đồng; "sau 10 ngày ra rạp, trừ chi phí phát hành, quảng bá, phim thu được 0 đồng, lỗ toàn bộ chi phí sản xuất", đại diện nhà sản xuất cho biết.
Một phim thua lỗ khác là Đỉnh mù sương do Phan Anh đạo diễn, ra rạp năm 2020. Sau thời gian công chiếu, bộ phim hành động - võ thuật này chỉ thu được gần 900 triệu đồng, trong khi kinh phí sản xuất 12 tỉ đồng.
"Công thức" nào để phim hành động thắng lớn ?
Theo đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: "Phim hành động đòi hỏi kỹ xảo, kỹ thuật cao thì khán giả không tin VN "làm ra hồn". Điện ảnh Việt giờ chỉ kể về đề tài gia đình hay kinh dị là thu hút khán giả, còn phim hành động thì đa số khán giả thích xem phim Mỹ, Hàn hơn vì đã mắt và kịch bản hay hơn. Phim hành động Hồng Kông đang thoái trào, mà đa số phim hành động Việt chịu ảnh hưởng của Hồng Kông quá nhiều. Trong khi đó, điện ảnh Hàn Quốc làm phim hành động khiến Hollywood cũng phải nể phục. Phim hành động Việt chưa thể tạo được một ngôi sao võ thuật nào, chỉ có Ngô Thanh Vân được gọi là "đả nữ", vì thế khán giả luôn nghĩ diễn viên đóng phim võ thuật thật sự chỉ nhờ kỹ xảo".
Cũng theo Vũ Ngọc Đãng, phim hành động cần gắn với văn hóa Việt nhiều hơn, kịch bản phải khác lạ, cách kể hiện đại hơn, tránh theo lối mòn theo kiểu phim hành động Hồng Kông cách nay 30 năm vì khán giả ngày càng khó tính.
"Tuy nhiên, không phải phim hành động nào cũng thua lỗ. Hai Phượng, loạt phim Lật mặt, Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử… thắng về doanh thu. Như vậy, có thể nói phim hành động Việt cần kèm thêm yếu tố hài và tình cảm gia đình, sẽ hút khách hơn là kịch bản dựa vào băng nhóm tranh chấp lãnh địa hay giang hồ truy sát", đạo diễn Vũ Ngọc Đãng nhận định.
Theo chuyên viên truyền thông điện ảnh Châu Quang Phước, khá lâu phim Việt chiếu rạp chưa có tác phẩm hành động nào đúng nghĩa đạt doanh thu phòng vé cao hoặc gây tiếng vang ở thị trường trong nước. "Điều cốt lõi là phải nhìn lại căn tính của phim hành động Việt, nên như thế nào mới đúng điệu với khán giả. Chứ nếu chỉ riêng yếu tố hành động thì hoàn toàn không đủ, bất kể có được giới làm nghề nâng cấp chỉn chu cách mấy đi nữa. Xem các phim hành động Việt ra mắt trong vài năm gần đây thì thấy chất lượng sản xuất có thể nói là ngang ngửa với các tác phẩm cùng thể loại trong khu vực. Thế nhưng phần lớn phim hành động Việt vẫn thất bại do cách kể chưa đa dạng, kịch bản quá dễ đoán", ông Phước nhận định.
Nhà báo - cựu cascadeur phim hành động Lữ Đắc Long bình luận: "Các đạo diễn phim hành động ngày nay đã làm rất tốt những pha đánh nhau nhưng cách kể và chọn câu chuyện chưa hợp gu khán giả có võ lẫn không biết võ nên rất dễ lạc đề. Như Sám hối, Võ sinh đại chiến, trước đó là Truy sát… cách kể không thu hút khán giả nên thua, chứ làm như Hai Phượng, Lật mặt 5: 48h... vẫn có cửa thắng lớn".
Top phim hành động Việt đạt doanh thu trên 100 tỉ đồng
Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh (273 tỉ đồng)
Hai Phượng (237 tỉ đồng)
Lật mặt 5: 48h (156 tỉ đồng)
Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử (108 tỉ đồng)