Biên kịch Trịnh Khánh Hà: Luôn đặt mình vào tâm thế khán giả

14:51 - 14/06/2024

Là biên kịch của nhiều bộ phim truyền hình trên sóng VTV, biên kịch Khánh Hà sẽ có những chia sẻ về yếu tố để tạo nên sức hấp dẫn cho phim truyền hình Việt.

Công thức là luôn phá vỡ công thức

Những bộ phim truyền hình hay điện ảnh thành công được hay không phần lớn là nhờ vào một kịch bản chất lượng. Bạn có công thức riêng nào để tạo nên sức hút cho những kịch bản phim của mình hay không?

Thực ra, sau một quá trình gắn bó khá lâu dài, đến nay cũng đã là năm thứ 18 với việc làm phim, sản xuất phim, tôi ngày càng nhận thấy rằng, phim ảnh thật sự là một tác phẩm ghi dấu ấn của sức mạnh tập thể, không một khâu nào hay một bộ phận nào góp phần trong tiến trình một bộ phim từ thời điểm hình thành đến khi ra thành phẩm, thậm chí là quá trình đưa bộ phim đến với khán giả lại không quan trọng cả. Chúng tôi có vai trò khác nhau, nhưng đều cùng nỗ lực tạo nên đời sống cho một bộ phim.

Xây dựng kịch bản vẫn luôn là quá trình tìm đường, nhìn nhận ở một góc độ nào đó, công thức chính là luôn phá vỡ công thức, luôn luôn thay đổi để phù hợp với sự biến đổi nhu cầu của khán giả - Biên tập Trịnh Khánh Hà

Biên kịch Trịnh Khánh Hà: Luôn đặt mình vào tâm thế khán giả

Biên kịch Trịnh Khánh Hà

Về công thức kịch bản, tôi tin rằng, không một ai khi xây dựng kịch bản lại không mong muốn bộ phim của mình sẽ thành công, thu hút được đông đảo khán giả, nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng làm được điều đó. Có rất nhiều bí quyết được chia sẻ, nhưng phim ảnh, cũng vẫn có bộ hay bộ dở, thành công không thành công, ngay trong chính sự nghiệp sáng tác của một tác giả cũng luôn phải đối diện với điều đó. Nói như vậy để khẳng định, không có công thức nào cả, dù cá nhân tôi cũng muốn lắm. Xây dựng kịch bản vẫn luôn là quá trình tìm đường, nhìn nhận ở một góc độ nào đó, công thức chính là luôn phá vỡ công thức, luôn luôn thay đổi để phù hợp với sự biến đổi nhu cầu của khán giả.

Bộ phim Những nẻo đường gần xa vừa lên sóng là đề tài về cuộc sống của những người trẻ, một đề tài không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Vậy ở thời điểm hiện tại, bạn muốn truyền đạt thông điệp gì tới những người trẻ?

Thực ra, nếu xét về góc độ đề tài, thì nhiều năm nay vẫn luôn là trăn trở đối với những người làm phim, không chỉ ở Việt Nam, mà còn cả thế giới. Sự thật là, chúng ta không có quá nhiều đề tài. Thế nên, việc "Những nẻo đường gần xa" là một đề tài như chị nói, là không mới, không phải là điểm chúng tôi quá băn khoăn, cái cần nhất là tìm ra điểm khác biệt, thu hút khán giả. Ở bộ phim này, chúng tôi tập trung khai thác những nhân vật với xuất thân khá bình thường, với những nghề nghiệp cũng bình dân, nói chung có thể nói là những hình mẫu ít khi được chọn làm nhân vật chính, họ xù xì, không hoàn hảo cùng với hành trình vào đời, trưởng thành của họ.

Biên kịch Trịnh Khánh Hà: Luôn đặt mình vào tâm thế khán giả

Những nẻo đường gần xa là một trong những bộ phim do Trịnh Khánh Hà làm biên tập

Một trong những điều không thể thiếu trong phim truyền hình là những nút thắt, cao trào để tạo nên kịch tính, vậy ở Những nẻo đường gần xa, điều đó có được đẩy lên đỉnh điểm?

"Những nẻo đường gần xa" là một bộ phim về nhóm nhân vật. Mỗi người trong số họ, đều có những vấn đề riêng, câu chuyện riêng và cái gắn kết giữa các nhân vật, nhóm nhân vật là tình bạn, tình yêu, tình thân, là sự quan tâm lẫn nhau, bằng tình cảm cũng như bằng những hành động cụ thể. Ngay định hướng ban đầu nhóm kịch bản đã làm việc cùng với đạo diễn để lựa chọn màu sắc cho phim và chúng tôi hướng đến một bộ phim nhẹ nhàng, dung dị với thông điệp tích cực và tươi sáng.

Luôn cố gắng làm mới chính mình

Dạo gần đây mọi người hay đề cập đến hai từ "chữa lành", bởi với họ cuộc sống đã quá mệt mỏi rồi, họ cần những thứ để giải trí, để cảm thấy được thư giãn, với bộ phim mới này, yếu tố đó sẽ được đáp ứng ra sao?

Tôi nghĩ, câu hỏi này của chị, một phần đã được trả lời ở câu hỏi phía trên. Bộ phim "Những nẻo đường gần xa" là một bộ phim tâm lí xã hội nhẹ nhàng, chọn lối kể chuyện dung dị hài hước, góc nhìn cũng khá tích cực, nhìn chung là một bộ phim ngọt ngào. Nhưng tôi cho rằng, đó là lựa chọn của chúng tôi ở bộ phim này, không đại diện cho lựa chọn của tất cả các bộ phim truyền hình khác. Cá nhân tôi cũng như đồng nghiệp, vẫn hướng đến sự đa dạng trong đề tài, thể loại, vừa để tạo nên liên tục thay đổi, vừa đáp ứng được nhu cầu của đa dạng khán giả, đồng thời làm mới chính mình.

Biên kịch Trịnh Khánh Hà: Luôn đặt mình vào tâm thế khán giả

Với Những nẻo đường gần xa các biên kịch chọn lối kể chuyện dung dị, nhẹ nhàng và hài hước

Đa phần các phim giờ vàng của VFC là vừa quay vừa phát sóng, vậy với một kịch bản phim đã được định sẵn, có khi nào nó chịu tác động bởi dư luận của khán giả trên các nền tảng số hay không?

Khi xây dựng một kịch bản, sau đó là sản xuất một bộ phim, đương nhiên chúng tôi luôn luôn phải tạo cho mình một bộ "khung", đó là câu chuyện, nhân vật, thông điệp mà mình muốn gửi đến khán giả. Chúng tôi phải luôn xác định rõ điều mình muốn làm để tránh "đẽo cày giữa đường", vì như chị cũng thấy, logic của một câu chuyện nằm ở sự thống nhất của nó từ đầu đến cuối, chúng ta thay đổi một điểm, khó mà không ảnh hưởng đến cả hệ thống. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng tôi cứng nhắc nhất nhất. Tôi hay đùa với đồng nghiệp của mình rằng, đối với tôi, khán giả là chân lí. Vì, không phải chuyện đúng hay sai, mà là trên thực tế, chỉ có khán giả mới có quyền quyết định họ có xem bộ phim đó hay không chứ không nằm ở chủ quan duy ý chí của người làm phim… .Chúng tôi vẫn luôn dõi theo những đóng góp của khán giả, trong một chừng mực nào đó, có thể có những điều chỉnh nhất định, không ảnh hưởng đến tổng thể của cấu trúc.

Nhìn chung, phải luôn đặt mình vào tâm thế khán giả, cố gắng hiểu khán giả của mình hơn để có thể kể câu chuyện mình muốn, đưa những những thông điệp mình gửi gắm đến khán giả theo cách khán giả “đồng ý” tiếp nhận - Biên kịch Trịnh Khánh Hà

Là một biên kịch "cứng" của VFC, bạn có thường đọc những phản hồi trực diện của khán giả qua các nền tảng hay không? Và những phản hồi đó được bạn đúc rút lại như thế nào?

Những tương tác trên các nền tảng xã hội mà chúng ta thấy thực ra chỉ là phần nổi của tảng băng mà thôi, và cũng chỉ đại diện quan điểm cho một vài nhóm khán giả nhất định, mà khi chúng ta đã chia nhóm, thì có nghĩa, giữa họ cũng có sự khác biệt về ý kiến đánh giá. Cá nhân tôi và đồng nghiệp, chúng tôi vẫn luôn theo dõi sự phản hồi của khán giả, trên tất cả các kênh thông tin mà chúng tôi có được, có thể nói là nhiều hơn, sâu hơn, kĩ hơn là "phần nổi của tảng băng đó". Vậy thì điều chúng tôi có thể làm là gì khi lắng nghe những khen chê đó, trước hết là cần phải bình tĩnh phân tích, để thấy điểm mình cần lưu ý, rút kinh nghiệm, cũng như phát huy những lợi thế đang có. Nhìn chung, phải luôn đặt mình vào tâm thế khán giả, cố gắng hiểu khán giả của mình hơn để có thể kể câu chuyện mình muốn, đưa những những thông điệp mình gửi gắm đến khán giả theo cách khán giả "đồng ý" tiếp nhận.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Báo Thù: Bí mật đằng sau những âm mưu và tội ác chồng chất

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...