Tiếng thét câm lặng - Oe Kenzaburo
Tiếng thét câm lặng là tác phẩm tiêu biểu, cũng là 1 trong 5 tác phẩm được Ủy ban Nobel dẫn chứng khi nhà văn Nhật Bản Oe Kenzaburo giành giải Nobel Văn chương 1994. Cuốn sách xoay quanh nhân vật Nedokoro Mitsusaburo, khi anh cùng người em trai Takashi trở lại ngôi làng thời thơ ấu, nơi bí mật gia đình và các sự kiện trong quá khứ bắt đầu lay chuyển cuộc sống của họ, sau những cú sốc tinh thần dồn dập. Có thể xem đây là cái nhìn sâu sắc vào sự thay đổi văn hóa và xã hội của Nhật Bản trong thời kỳ chuyển giao văn hóa, khám phá những chủ đề phức tạp như tình bạn, tình yêu và mối quan hệ giữa con người.
Là một trong những nhân vật kiệt xuất của nền văn học Nhật Bản, Oe Kenzaburo là tác giả của hơn 20 tiểu thuyết và nhiều tập truyện được dịch, phát hành rộng rãi trên toàn thế giới. Những câu chuyện của ông thường đề cập đến lịch sử đầy biến động của nước Nhật, như Thế chiến thứ hai hay cuộc khủng hoảng bản sắc sau chiến tranh của đất nước. Tác phẩm của Oe Kenzaburo cũng thường đi sâu vào các chủ đề cá nhân, được lấy cảm hứng từ trải nghiệm của chính ông với tư cách là cha của một đứa con khuyết tật.
Đường mòn muôn nẻo - Robert Moor
Cuốn sách đặc biệt này là cuộc phiêu lưu ngoạn mục khám phá mạng lưới những con đường trên khắp hành tinh, từ con đường của loài kiến, dấu chân của người tiền sử đến kỷ nguyên kỹ thuật số. Thông qua câu chuyện về những con đường mòn đã hình thành và tồn tại qua thời gian, tác giả đưa ra cái nhìn sâu sắc về sự kết nối giữa cuộc sống của con người với tự nhiên, cách những con đường ảnh hưởng đến lịch sử, văn hóa, và cả những lựa chọn của chúng ta trong cuộc sống này.
Đánh giá về tác phẩm này, các nhà phê bình cho biết Moor có năng khiếu viết tiểu luận trong việc tạo ra những kết nối mới, giữa tình yêu của một nhà thám hiểm với những con đường chưa đi và sở trường của một triết gia trong việc đặt ra những câu hỏi lớn.
Tiểu luận về nghệ thuật An Nam - Louis Bezacier
Tiểu luận về nghệ thuật An Nam là một tư liệu quan trọng, được xuất bản lần đầu vào năm 1944 và từ đó đến nay đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nó tập hợp 7 bài nói chuyện từng được thực hiện ở bảo tàng Louis Finot (hiện là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội), dưới sự bảo trợ của Hội Những người bạn của Viện Viễn Đông Bác cổ.
Qua những bài tiểu luận này, độc giả sẽ được cung cấp một cái nhìn toàn diện và có hệ thống về nghệ thuật Việt Nam từ thời tiền sử đến hiện đại, cũng như những ảnh hưởng đa dạng mà nó tiếp nhận, không chỉ từ Trung Quốc.
Mùa hè cùng người lạ - Taichi Yamada
Mùa hè cùng người lạ kể về Hideo Harada - một người đàn ông trung niên đang làm nghề viết kịch bản truyền hình, trong tâm trạng rất mỏi mệt, chán chường và cô độc sau khi ly dị vợ. Một ngày nọ, anh chuyển tới sống ở tầng 7 của một căn hộ thuộc chung cư cho thuê. Vào ngày sinh nhật, anh bắt tàu điện quay về Asakusa, nơi quê nhà cũ, và trải nghiệm lại những sự kiện kỳ lạ, khi hình ảnh bố mẹ đã khuất bỗng dưng quay về.
Có thể nói đây là một trong những áng văn đậm chất Nhật Bản khi đề cập tới những vấn đề như sự cô độc, hoài niệm, đầy triết lý nhân sinh... Taichi Yamada là nhà văn và nhà biên kịch tài ba, trong đó Mùa hè cùng người lạ rất nổi tiếng, từng chuyển ngữ sang tiếng Anh. Gần đây bộ phim chuyển thể thứ 2 của cuốn tiểu thuyết - All of Us Strangers với sự góp mặt của Paul Mescal và Andrew Scott, được đánh giá cao và đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh.
Phía đông vườn địa đàng - John Steinbeck
Phía đông vườn địa đàng được xem là tác phẩm tham vọng nhất của John Steinbeck, và chính bản thân Steinbeck cũng coi đó là kiệt tác của ông. Steinbeck từng nói về tiểu thuyết này như sau: "Nó chứa đựng mọi thứ mà tôi có thể học được về nghề hoặc nghề của mình trong ngần ấy năm", và "Tôi nghĩ mọi thứ mà tôi viết trước đây, theo một nghĩa nào đó, đều là luyện tập để dành cho quyển sách này". Ông đã đoạt giải Nobel Văn học năm 1962 “vì những tác phẩm văn chương vừa hiện thực vừa hoang tưởng, nổi bật với một sự hài hước đầy cảm thông và một cách nhìn xã hội thấu đáo".
Lấy bối cảnh ở thung lũng Salinas, California, từ đầu thế kỷ 20 đến cuối Thế chiến thứ nhất, cuốn sách đã làm sống động thêm những chi tiết phức tạp của 2 gia đình Trasks và Hamiltons, cũng như những câu chuyện đan xen của họ. Gia đình Hamilton trong tiểu thuyết được cho là dựa trên gia đình ngoài đời thực của Samuel Hamilton - ông ngoại của Steinbeck. Bản dịch mới này được đánh giá là đầy đủ nhất trọn vẹn tác phẩm, không bị cắt gọt như những tác phẩm trước đó.
Khoa học về giấc ngủ - Heather Darwall-Smith
Trong một thế giới hối hả và đầy áp lực, giấc ngủ không chỉ là một nhu cầu cơ bản mà còn là yếu tố quyết định đối với sức khỏe và tinh thần của chúng ta. Trong cuốn sách Khoa học về giấc ngủ, Heather Darwall-Smith không chỉ đưa ra cái nhìn sâu sắc về giấc ngủ mà còn mở ra cánh cửa của hiểu biết để khám phá thế giới kỳ diệu của nó. Heather khuyến khích chúng ta tìm ra những thay đổi có thể thực hiện trong lối sống để khiến đồng hồ sinh học hoạt động đúng nhịp, giúp chúng ta dễ dàng chìm vào giấc ngủ.
Trên cơ sở nghiên cứu khoa học và sự hiểu biết sâu rộng về hệ thống thần kinh, Heather Darwall-Smith đã viết nên một tác phẩm độc đáo và phong phú về giấc ngủ: từ cơ chế hoạt động của não bộ, cách não xử lý thông tin trong giấc ngủ đến tác động của giấc mơ trong quá trình tái tạo cơ thể và tinh thần... Cuốn sách này là nguồn tài nguyên toàn diện về một chủ đề mà ai cũng cần quan tâm.
Hòn đá mù - Natalie Haynes
Sinh ra trong hình hài phàm nhân xinh đẹp và một đôi cánh có thể bay lượn, những tưởng Medusa sẽ hạnh phúc mãi mãi dưới sự bảo bọc của các chị gái, nhưng vận mệnh đã định sẵn cho nàng một cuộc đời nghiệt ngã: trở thành một con quái vật có ngoại hình gớm ghiếc với khả năng hóa đá những ai chẳng may nhìn vào mắt nàng, để rồi bị săn lùng và chết dưới tay một người anh hùng quả cảm. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu con quái vật đó thực chất chỉ là một nạn nhân xấu số của các vị thần, còn anh hùng là kẻ sẵn sàng kết liễu thứ mà hắn không biết chỉ để giành chiến tích?
Lần đầu tiên những bí mật sau hàng trăm thế kỷ được vén màn qua góc nhìn của "thứ" mà chúng ta luôn cho là "quái vật" - hé lộ quá khứ của nàng trước khi khiến người ta kinh hồn bạt vía, để rồi lôi cuốn người đọc đến những dòng chữ cuối cùng. Qua đó, độc giả sẽ được nghe kể lại một câu chuyện rất khác về hình tượng này, qua ngòi bút của một trong những nữ nhà văn nhiều lần được đề cử giải Women's Prize for Fiction - Natalie Haynes, được Hiệp hội cổ điển vinh danh vì góp phần đưa các tác phẩm cổ điển đến gần hơn với đông đảo bạn đọc.
Tết cỏ ngọt - Robin Wall Kimmerer
Là một nhà khoa học và đồng thời là hậu duệ của thổ dân da đỏ Bắc Mỹ, tác giả Kimmerer trong Tết cỏ ngọt đã kể lại những câu chuyện cho thấy cây cối, đất đai và thực vật đã mang đến cho chúng ta những món quà và bài học quý giá như thế nào, ngay cả khi loài người đã quên cách lắng nghe thông điệp của họ.
Trong những suy ngẫm trải dài từ truyền thuyết khởi sinh vùng đất Bắc Mỹ cho đến những thế lực đe dọa sự hưng thịnh của nó ngày nay, tác giả hướng đến một lập luận trọng tâm rằng, sự thức tỉnh của ý thức sinh thái đòi hỏi sự thừa nhận và tôn vinh mối quan hệ qua lại của con người với phần còn lại của thế giới sống. Vì chỉ khi chúng ta có thể nghe được ngôn ngữ của những sinh vật khác, chúng ta mới có thể hiểu được sự hào phóng của trái đất và học cách trao lại những món quà của chính mình.