Không phải ỷ mình đào chánh rồi làm eo làm sách
Thưa bà, hỏi thật lúc bà mới vào nghề đi hát cải lương, bà có nghĩ rằng mình sẽ được giải này giải kia... hay không?
- NSND Lệ Thủy: Thiệt tình là không. Lúc đó mình còn nhỏ xíu mà, chưa đầy 14 tuổi đã theo gánh hát, hiểu biết gì đâu mà mơ giải thưởng. Đi hát chỉ đơn giản là nhà nghèo quá, muốn kiếm tiền phụ giúp gia đình thôi. Mấy ông cậu, ông chú trong đoàn hát thấy con nhỏ có giọng ca khá khá nên dẫn đi. Ban đầu cho tôi hát trong hậu trường của đoàn Trâm Vàng, sau đó soạn giả Viễn Châu kêu đi thu đĩa Sự tích Quan Âm, rồi một dịp nọ tôi có cơ hội thay vai cho anh Hữu Đức bị bể tiếng mới bắt đầu được chú ý hơn. Khi đoàn Trâm Vàng sắp rã, tôi được 4 đoàn mời về, nhưng tôi đã chọn đoàn Kim Chung của ông bầu Long và hát luôn cho tới 1975. Năm 1964 thì được trao giải Thanh Tâm khi đóng chung với anh Thanh Sang trong vở Sương mù trên non cao. Lúc đó mới 16 tuổi, còn khờ lắm.
Bà có thấy đường công danh của mình rất may mắn? Vào nghề chẳng bao lâu là được giải thưởng và lên ngay hàng đào chánh với cát sê luôn cao vút. Nhiều người nói rằng thế hệ nghệ sĩ của bà hầu như ai cũng nặng gánh gia đình, ai cũng hiếu thảo, đi hát đem tiền về lo cho gia đình và được trời thương...
- Đúng là thời của tôi nhiều nghệ sĩ rất nghèo, đi hát có nhiêu tiền đều gởi về nhà. Như tôi, ký "công-tra" đầu tiên là gởi về liền cho má tôi mua căn nhà nhỏ, vì có tới 8 đứa con sống cực khổ trong con hẻm đường Tôn Đản quận 4. Hầu như ai cũng nghĩ tới gia đình trước tiên, và những phẩm chất đó chắc chịu ảnh hưởng từ các nhân vật, các vở tuồng mà mình đóng. Mình đóng những vai hiếu thảo, tử tế, kính trên nhường dưới, trung hậu, thật thà, thì tự nhiên nó xâm nhập vào đầu óc, vào trái tim mình luôn, như một cách giáo dục tự nhiên, chứ mình đâu có học vấn cao bằng người ta.
Còn nói may mắn hay trời thương thì cũng có. Nhưng bên cạnh đó cũng phải rèn nghề dữ lắm, tập ca, tập diễn nghiêm túc chứ không phải ỷ mình đào chánh rồi làm eo làm sách hoặc sống thấy ghét với anh em đồng nghiệp, với khán giả đã yêu thương mình. Mình có được cái lộc trời cho đã khó rồi, mà giữ được càng khó hơn, nếu chủ quan sinh ra nông nổi thì sợ ông trời lấy lại. Đúng là hồi mới vô nghề còn con nít nên chỉ nghĩ kiếm tiền là được, nhưng càng hoạt động thì tôi càng ý thức về nghề, về tổ nghiệp, về khán giả, không dám sơ suất, phải luôn rèn luyện nâng cao bản thân.
Và chắc vì đã từng nghèo nên bà càng thương người nghèo. Thấy bà đi làm từ thiện quanh năm, mới đây lại ra miền Bắc cứu trợ đồng bào bị bão lũ. Hơn 70 tuổi bà không ngại sức khỏe mình hay sao?
- Trời, giờ nói ra mới hết hồn nè. Lúc đi không biết sợ, mà trải qua rồi mới giật mình. Tôi đi máy bay ra Hà Nội lãnh giải Đào Tấn xong tháp tùng xe với các chị phụ nữ đi Yên Bái, Lào Cai luôn. Xe vô tận các xã, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực thẳm, chạy lách qua lách lại mình muốn rớt tim ra ngoài. Trời lại mưa, đất sạt lở, nên tới một đoạn kia xe bị mắc lầy, chúng tôi sợ khiếp vía. Nếu kẹt lại đêm thì đói và lạnh. Ai cũng niệm thầm "Quan Âm ơi cứu con!". May sao, gọi được người tới trục xe lên, về tới nơi an toàn.
Thiệt tình có người kêu tôi tặng quà và tiền ở gần thôi để bảo đảm sức khỏe, nhưng tôi nghĩ phải xuống tận nơi bị tàn phá khốc liệt nhất thì cứu trợ mới ý nghĩa. Tận mắt thấy đồng bào khổ sở, thương tâm vô cùng. Người mất cha, mất mẹ, mất con, mất nhà, có gia đình đến mấy người đều chết hết, đau đớn biết bao nhiêu. Nhóm chúng tôi giúp tiền xây lại nhà hoặc mua bò, gà, heo nuôi lại để phục hồi kinh tế, hoặc hỗ trợ mua thức ăn qua cơn đói. Sức mình bao nhiêu thì đóng góp bấy nhiêu, phụ với xã hội, chứ mình ngồi yên không chịu nổi, lòng cứ bồn chồn, lo lắng.
Mọi người còn yêu quý bà ở chỗ bà là người nổi tiếng nhưng không sống xa hoa, mà rất giản dị, tiết kiệm, tiền dư đem làm từ thiện vui hơn...
- Nói thiệt, tôi chưa hề xài hàng hiệu bao giờ. Tôi nổi tiếng nhưng xài đồ không tiếng tăm gì hết, toàn những hàng bình thường, muốn quăng đâu cũng không xót ruột. Cái túi xách cả chục triệu, cả trăm triệu tôi hổng dám xài đâu. Tôi tôn trọng ý thích của mỗi người, ai xài sao cũng được. Nhưng riêng bản thân tôi thì thích sống bình thường, vì mình rất cần tiền chia sẻ cho người nghèo, mình mua món đồ đó cứ nghĩ món này đổi được bao nhiêu gạo, bao nhiêu quà cho bà con, thôi khỏi mua. Chỉ riêng trang phục và phụ kiện dành cho vai diễn, cho nhân vật thì tôi phải đầu tư nghiêm túc để đạt hiệu quả nghệ thuật, mình phải tôn trọng cái nghề của mình. Ngoài ra, có ai yêu tôi vì cái túi xách đâu, mà khán giả yêu vì chính con người và nghệ thuật của mình, thì bận lòng chi nữa, đủ vui rồi.
Chung sức nghĩ cách cho cải lương hưng thịnh
Hơn 60 năm trong nghề, bà đã cảm thấy thỏa mãn chưa hay còn muốn làm gì nữa cho cải lương?
- Tuổi này còn làm gì được nữa. Ai kêu đi hát thì đi thôi, kể cả hát chùa, hát từ thiện tôi cũng không ngại. Nhưng nói làm gì cho cải lương chắc phải trông cậy vào lớp trẻ. Các em còn sức thì ráng giữ gìn và phát triển cải lương, đừng để nó mai một.
Bà thấy lớp trẻ hiện nay thế nào? Vì sao các em chưa có chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả bằng thế hệ của bà?
- Thật ra mỗi thời đều có khán giả riêng, chứ không phải các em không có tài. Chỉ vì thế hệ chúng tôi may mắn hơn, được đi hát xuyên suốt, tuần nào các rạp cũng sáng đèn, có khi 3, 4 rạp nằm gần nhau mà vẫn bán vé được ào ào. Chưa kể còn đi tỉnh, ra cả miền Trung, miền Bắc. Nghệ sĩ chúng tôi chỉ việc ăn rồi lo tập tuồng, đi hát, không hề bận tâm chuyện gì. Một tuồng hát mấy chục suất, cả trăm suất luôn, càng hát càng hay.
Còn bây giờ đâu có nhiều đoàn cho các em hoạt động, mà một tuồng cũng hát đâu được nhiều suất, cho nên để giải quyết kinh tế cho gia đình các em phải làm thêm, như buôn bán, mở quán, hoặc bán online… Thương lắm. Bài toán này không dễ giải quyết. Thôi thì chỉ mong mọi người chung sức suy nghĩ cách làm sao cho cải lương hưng thịnh để người nghệ sĩ toàn tâm toàn ý được với nghề.
Xin cảm ơn bà. Chúc bà luôn dồi dào sức khỏe để tiếp tục đứng trên sân khấu và tiếp tục công việc thiện nguyện.