Trương Đăng Quế là ai?

17:03 - 08/10/2024

Đoàn Kinh lược Nam kỳ vào năm 1836 có Binh bộ thượng thư Trương Đăng Quế, Lại bộ thượng thư Nguyễn Kim Bảng làm Kinh lược đại sứ, thự (tạm giữ chức) Lễ bộ thị lang Tôn Thất Bạch và thự Thông chánh sứ (giữ việc bưu chính thông tin) Nguyễn Đắc Trí làm Phó sứ, cùng mấy chục viên dịch tùy biện, đạc điền quan. Đoàn đi đường thủy ngày 18.2, tới Gia Định (Sài Gòn) sau 6 ngày.

Danh thần Trương Đăng Quế sinh ngày 1.11.1793 tại làng Mỹ Khê Tây (H.Bình Sơn, Quảng Ngãi). Ông đỗ Hương cống (cử nhân) năm Gia Long thứ 18 (1819). Từ 1820 (Minh Mạng nguyên niên) đến 1829, làm Hành tẩu (viên chức nhỏ như tùy phái) bộ Lễ. Biên tu - thị độc Hàn lâm viện, Hành tẩu Văn thư phòng (của nhà vua sau là nội các).
Trương Đăng Quế là ai?

Danh thần Trương Đăng Quế

Ảnh: T.L

Từ 1830 - 1832, ông làm Tả thị lang (như cấp Vụ trưởng ngày nay) bộ Công, sung biện Nội các sự vụ, quyền biện nha Thương bạc (quản việc ngoại thương và ngoại giao), Tả tham tri (Thứ trưởng thứ nhất) bộ Hộ, Phó chủ khảo thi Hội để lấy tiến sĩ, Chủ khảo thi hạch giáo chức, Độc quyển thi Đình (để chọn Thám hoa, Bảng nhãn).

Từ 1833 - 1835, Trương Đăng Quế làm Tá tham tri bộ Hộ kiêm ấn Đô sát viện (như Viện kiểm sát hiện nay), thăng Thượng thư bộ Binh, sung Cơ mật viện đại thần, kiêm Tào chính vụ (vận chuyển chủ yếu lương thực), Chánh chủ khảo thi Hội, nhận hàm Thái tử thiếu bảo.

Trương Đăng Quế được cử đi Kinh lược Nam kỳ năm 1836, lúc đã ngoài 40 tuổi, kinh nghiệm làm quan suốt 16 năm, trải qua các bộ Lễ - Công - Hộ và sự vụ ngoại giao - vận chuyển - thi cử - Nội các rồi Cơ mật viện đại thần, rất có uy tín. Vấn đề duyệt dân tuyển lính và đo đạc ruộng đất lập sổ địa bạ tại Nam kỳ thật là khẩn thiết. Vì ở Đàng Ngoài, số địa bạ đã được lập minh bạch từ ba hay bốn trăm năm trước và riêng dưới triều Nguyễn cũng đã tái lập được trên 30 năm, thế mà Nam kỳ gồm 6 tỉnh ruộng nương phì nhiêu bát ngát chưa hề được đo đạc ghi chép, tạo thành nạn cường hào bá chiếm, tranh tụng triền miên.

KINH LƯỢC NAM KỲ LẬP ĐỊA BẠ

Trước khi đoàn khởi hành, Minh Mạng có nói đại khái: "Nay phái Kinh lược sứ đến Nam kỳ. Phàm tất mọi việc quân dân, hễ điều hại nên bỏ, điều lợi nên làm, thì chuẩn cho lần lượt tâu lên mà làm. Về việc ranh giới ruộng đất lại càng trọng yếu. Xưa nay ruộng đất các tỉnh khắp nước đều ghi diện tích rõ ràng bằng mẫu sào thước tấc, duy có 6 tỉnh Nam kỳ cứ ghi theo dây hay sở rất tùy tiện co giãn, phát sinh nhiều tệ hại".

Khi vào đến Sài Gòn thì Kim Bảng ngã bệnh, Trấn Tây tướng quân Trương Minh Giảng thay thế.

Tháng 4.1836, Trương Đăng Quế tâu về kinh: Tuyển lính ở Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường là đủ số. Còn việc đo ruộng đất thì thiếu người biết đo và đã làm thử ở nơi gần trước, đa số dân chúng tán thành, vì học (sic) được xác lập quyền sở hữu: "Nay khám đạc thì mọi người cứ chiếm phần mình cày cấy, nộp thuế, không còn bị cường hào ức hiếp. Trong số ruộng đem đo đạc... có chỗ trước gọi là một thửa mà dài rộng quanh co đi đến nửa ngày đường mới hết chỗ thực canh. Sự tình ấy không phải chỉ có một nơi, mà khá phổ biến. Cho nên có đo đạc, tất phải kê cứu, nên không tránh khỏi kéo dài".

Trương Đăng Quế, tất nhiên có cả Trương Minh Giảng tham gia, chủ trương hạn chế cường hào bá chiếm, phân chia công tư điền thổ minh bạch, làm cho ai cũng có ruộng đất làm ăn, làng nào cũng có địa phận rõ ràng. Cách quản lý đất đai vừa có lợi an cư lạc nghiệp cho dân, vừa xác lập cương vực vững vàng cho nước. Nghiên cứu kỹ 1.700 sổ địa bạ lục tỉnh xưa, ta mới thấy chính sách của VN truyền thống tuyệt đối bảo vệ quyền phụ nữ (sở hữu 20% tư điền thổ), quyền gia đình, quyền xã thôn, không muốn ai giàu ba họ ai khó ba đời, lấy công điền để chế ngự bất quân bình. Tổng lý không có nhiều ruộng đất, quan lại hầu như vô sản, xã hội Nam kỳ xưa vận hành đúng lề lối sĩ nông công thương, mặc dầu lục tỉnh có nhiều chủ điền với ruộng thẳng cánh cò bay nhất nước ta.

Trương Đăng Quế còn xếp đặt cho việc giao thông thuyền bè trên sông rạch được trật tự, củng cố việc canh phòng các cửa biển nhất là Cần Giờ, đưa thêm dân đi khai thác Côn Đảo, Phú Quốc, lập phủ Tây Ninh với tầm nhìn chiến lược để phát triển và bảo vệ phần phía nam.

Ngày 10.5, địa bạ của Biên Hòa và Gia Định hoàn tất. Ngày 3.6, địa bạ của Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên cũng ghi xong. Ngày 18.7 (kinh lý đạc điền toàn Nam kỳ đúng 5 tháng), đoàn đi đường trạm về Huế. Hôm sau, Trương Minh Giảng trở lại Trấn Tây thành (Nam Vang).

Sau khi Kinh lược Nam kỳ (1836) tới lúc hưu (1863), Trương Đăng Quế vẫn liên tục giữ các trọng trách lớn trong triều đình Phú Xuân: Phụ chính đại thần, Thái bảo, Cần Chánh điện đại học sĩ, Binh bộ thượng thư, Cơ mật viện đại thần, quản lý Khâm Thiên giám, Quốc tử giám, Kinh diên Quốc sử quán, Tào chính, Thương bạc, hàm Tuy Thạnh quận công.

Được coi như một sử quan chính yếu của triều Nguyễn, Trương Đăng Quế được giao xét kiểm và trước tác nhiều bộ sử, quan trọng nhất là làm Tổng tài bộ Đại Nam liệt truyện tiền biên (1841), Tổng vựng bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ gồm 262 quyển (1843), Tổng tài bộ Đại Nam thực lục, Tiền biên - Chính biên (1848).

Năm 1863, danh thần Trương Đăng Quế về nghỉ ngơi, tới năm 1865 thì mất tại quê nhà. (còn tiếp) 

(Trích Tạp ghi Việt Sử Địa của cố học giả Nguyễn Đình Đầu do NXB Trẻ ấn hành)

 
 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Công công xuất cung - SCTV9

Không gian lạ - SCTV9

 

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...