Truyện của anh chân chất, hoài niệm và đầy ắp tình người như chính con người Lê Văn Nghĩa - sinh ra và lớn lên giữa đất Sài thành. Phần lớn trong số ấy là ký ức, là những câu chuyện nhỏ, vụn vặt nhưng khơi gợi nên hồn cốt của một Sài Gòn nghĩa tình, nhân hậu.
Mùa hè năm Petrus (2012) như cuốn phim tư liệu về ngôi trường Petrus Ký xưa (nay là Lê Hồng Phong) nơi tác giả từng theo học trung học. Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (2015) hay Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (2016), Mùa tiểu học cuối cùng (2020) đầy ắp những trang viết về ngôi trường Bình Tây nay là Trường tiểu học Nguyễn Huệ (Q.6, TP.HCM), nơi in dấu quá nhiều kỷ niệm của nhà văn.
Đọc truyện của anh, độc giả như sống lại thời thanh xuân, cùng lớn lên với đám bạn trong một xóm lao động nghèo khó, cùng chia ngọt sẻ bùi từng trái ổi, trái cóc ngâm cam thảo hay cây mía ghim trước cổng trường… Tất cả đã chạm vào tâm hồn của những ai từng sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, dùng thứ ngôn ngữ ngày xưa cũ, rặt Sài Gòn với những mảng ký ức tưởng chừng như phủ lớp bụi thời gian.
Là người từng biên tập những trang viết của Lê Văn Nghĩa về Sài Gòn, về từng góc phố, con đường, về những ban nhạc xưa, giới văn nghệ sĩ trước 1975… cho báo Thanh Niên, người viết nhận ra được tình yêu của anh với mảnh đất này. Góp nhặt từ những bài báo này, anh cho xuất bản hàng loạt sách về Sài Gòn: Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (2018), Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ (2020), Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề (2020), Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức (2021)...
Một ông già mang tật bệnh chạy chiếc xe Cup 82 màu xanh dương cà tàng mà theo anh thì "quăng chẳng đứa nào thèm lụm", len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, sống cùng giới cần lao để thấu hiểu họ khiến những trang viết của anh rất Sài Gòn. Nhà văn, nhà báo Dương Thành Truyền từng nhận xét về anh: "Nhà văn viết về Sài Gòn bằng trái tim", có lẽ bởi anh quá yêu mảnh đất này, nơi đã làm nên con người Lê Văn Nghĩa hôm nay: thẳng tính, xuề xòa nhưng sống có nghĩa, có tình.
Ở cương vị nhà báo, Lê Văn Nghĩa từng chủ biên tờ Tuổi Trẻ Cười với hàng loạt bút danh: Hai Cù Nèo, Điệp Viên Không Không Thấy, Thằng Hề, Đại Văn Mỗ… Các bài viết của anh đầy chất châm biếm với mong muốn xã hội tốt đẹp hơn.
Xuề xòa, giản dị ngay cả trong ăn mặc, đôi lúc nhà văn bị vợ - nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Minh Hạnh càm ràm. "Tính ông già vẫn thế, vẫn lè phè cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay nhưng gần anh mới thấy rõ phần bên trong, nơi anh chôn giấu một tình yêu mãnh liệt với Sài Gòn. Anh có trăn trối là sau khi qua đời hãy đem tro cốt rải xuống sông Sài Gòn để anh mãi gắn chặt với nơi từng làm nên một Lê Văn Nghĩa hôm nay. Tôi và con trai đã thực hiện di nguyện đó", chị Minh Hạnh tâm sự.
"Cuộc đời thoáng gặp, thoáng đi. Gặp nhau, chia ly đó là lẽ thường của đời sống nhưng chắc chắn dấu ấn của những người này sẽ còn ghi đậm trong tâm hồn và ký ức..." là những dòng Lê Văn Nghĩa viết trong cuốn Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy.
Bài viết như một nén nhang lòng tưởng nhớ anh - nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa, một cựu tù Côn Đảo - bởi trong những ngày đau thương nhất của gia đình vào 3 năm trước, khó ai có thể đến tiễn đưa anh vì dịch bệnh, chỉ biết chào tạm biệt anh lần cuối qua những dòng status trên mạng xã hội mà thôi.