Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Phó viện trưởng Viện Âm nhạc, cho biết trong cuộc đời nghiên cứu, công lao lớn nhất của GS Tô Ngọc Thanh là nghiên cứu về nhiều loại hình âm nhạc dân gian VN. Đặc biệt, GS-TSKH Tô Ngọc Thanh có nghiên cứu sâu về âm nhạc Thái và âm nhạc dân gian Tây nguyên. "Về âm nhạc Thái, hiện nay chưa có nhà nghiên cứu nào giỏi hơn cụ. Cụ đã lăn lộn với dân tộc này rất lâu, nói tiếng Thái, am hiểu phong tục Thái… nên rất giỏi về người Thái", ông Loan nói.
Cũng theo ông Đặng Hoành Loan, GS-TSKH Tô Ngọc Thanh là người có học hàm, học vị cao nhất về dân tộc nhạc học. Đây là một chuyên ngành ở VN còn rất hiếm. "Đóng góp của GS Thanh cho ngành dân tộc nhạc học là vô cùng lớn", ông Loan nhận định.
GS-TSKH Tô Ngọc Thanh sinh năm 1934, quê ở Mỹ Văn (Hưng Yên). Ông là con trai cả của danh họa Tô Ngọc Vân và được theo học mỹ thuật từ sớm. Mặc dù vậy, niềm đam mê lớn nhất của ông là âm nhạc, cụ thể hơn là âm nhạc dân tộc.
Trong kháng chiến chống Pháp, GS Tô Ngọc Thanh từng làm Trưởng đoàn Văn hóa kháng chiến. Khi đoàn giải thể, ông Thanh thi đỗ và học tại Trường Âm nhạc Việt Bắc. Từ năm 1959, ông làm việc tại Ban Nghiên cứu âm nhạc thuộc Vụ Nghệ thuật (Bộ VH-TT, nay là Bộ VH-TT-DL). Ông lặn lội nhiều vùng như Tây Bắc, Việt Bắc và Tây nguyên, để có được những công trình như Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc (1969), Âm nhạc dân gian Mường (1971), Âm nhạc Cung đình VN (2000). Ông cũng có cái nhìn thấu đáo về tập quán, lễ hội trong nước.
GS-TSKH Tô Ngọc Thanh từng làm Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật VN, 3 khóa liên tiếp làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian VN và 2 khóa liên tiếp làm Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN (nhiệm kỳ 2010 - 2015 và 2015 - 2020).
GS-TSKH Tô Ngọc Thanh được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì (2019), Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất (2001). Ông còn nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.