Vượt qua nghịch cảnh bằng tình yêu thương gia đình
An từng là giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Sự nghiệp của An hứa hẹn rất nhiều điều tốt đẹp, nhưng một tai nạn đáng tiếc đã cướp đi đôi chân lành lặn của em và cả những hoài bão, ước mơ, dự định, công việc... mà em đang từng bước thực hiện từ sự kỳ vọng của mẹ cha.
Cha mẹ đã đưa An đi khắp nơi tìm thầy thuốc giỏi cứu chữa đôi chân cho em nhưng mọi nỗ lực đều thất bại.
Lúc ấy, nhìn gương mặt phờ phạc của cha, vết nhăn trên vầng trán mẹ, em rơi vào trầm cảm, tuyệt vọng. Nghĩ đến việc mẹ cha sẽ thêm vất vả vì mình, em đã làm điều dại dột để từ bỏ cuộc sống. Nhưng, may mắn cha mẹ đã kịp thời phát hiện để giữ em lại với gia đình, cuộc sống. Cha mẹ đã hồi sinh cuộc sống cho em. Những ngày điều trị trong bệnh viện, cha mẹ vừa chăm sóc, vừa động viên em; nhắc em nhớ về ký ức khi gia đình còn nghèo khó nhưng vẫn đùm bọc, nương tựa, thương yêu nhau. Bây giờ và mai sau cha mẹ vẫn luôn là điểm tựa vững chắc cho em.
"Đôi chân tròn" cùng quỹ Bước chân nhân ái
Lời động viên của cha đã đánh thức ký ức trong lòng An. Năm đầu đại học, An và các bạn sinh viên trong trường bắt đầu gắn bó với chương trình mùa hè xanh, xuân tình nguyện... Và An nhớ mãi hình ảnh đôi mắt đượm buồn của những em nhỏ mồ côi trong mái ấm tình thương. Các em còn quá nhỏ để chịu đựng sự thiếu hụt điểm tựa gia đình, điều vĩ đại nhất của đời người.
Nghĩ đến các em nhỏ mồ côi và những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, em nghĩ cần phải làm điều gì đó lớn lao hơn là nghĩ đến cái chết. Sau thời gian bình tâm hòa nhập với cuộc sống. Em thành lập quỹ Bước chân nhân ái, huy động nguồn lực từ bạn bè, xã hội đóng góp, tương trợ, giúp đỡ người gặp hoàn cảnh khó khăn. Ban đầu, đối tượng mà quỹ hướng đến là những người nghèo, người neo đơn, trẻ em vùng biên, trẻ em mồ côi sau đại dịch Covid-19, người yếu thế, kém may mắn, mang trên mình khiếm khuyết cơ thể từ thuở bẩm sinh... Nhưng sau này, trong một lần, An cùng bạn bè đến thăm hỏi chị Nguyễn Thị Gập (xã Long Định, huyện Cần Đước, Long An), câu chuyện của chị Gập khiến An và những người bạn không kìm nén được nước mắt: "Chị ước được một lần ngồi thử trên chiếc xe lăn, nếu được như thế thì chị cũng toại nguyện". Từ đó, quỹ Bước chân nhân ái thêm phần công việc vận động đóng góp và trao tặng xe lăn cho người khuyết tật.
Khi được ngồi vào chiếc xe lăn mới, chị Gập khấp khởi niềm vui: "Chị đã được ngồi trên xe lăn, thoải mái hơn nằm lăn lóc dưới nền nhà rất nhiều".
Đến nay, quỹ đã trao tặng gần 50 chiếc xe lăn cho những người khuyết tật ở Long An và các tỉnh lân cận... Và theo nguyện vọng của An, quỹ sẽ vươn xa hơn đến các vùng xâu, xa còn nhiều khó khăn.
"Đôi chân tròn" trên chặng đường chống dịch Covid-19
Những năm bùng phát dịch Covid-19, "đôi chân tròn" của An can trường vượt qua sự khó khăn, nguy hiểm lăn trên những ngả đường hỗ trợ người dân chống dịch. Những hôm ấy, em dậy sớm trang bị các biện pháp phòng chống dịch rồi mang nhu yếu phẩm, rau, củ, quả... từ điểm tập kết đến tiếp tế cho bà con trong khu vực phong tỏa.
Kết thúc công việc em lại trở thành người phụ việc giúp sư thầy ở tịnh thất Minh Châu, xã Phước Vân, huyện Cần Đước, Long An may khẩu trang cấp phát miễn phí cho người dân trong vùng. Không chỉ vậy, suốt mùa dịch, An còn tình nguyện tham gia trực tổng đài 1022 hỗ trợ tâm lý cho người dân TP.HCM…
Dù gặp không ít những khó khăn và giới hạn nhưng không vì thế mà em sờn ý chí. Thay vào đó, An khắc phục mọi rào cản bằng lòng kiên nhẫn và sự quyết tâm bất diệt.
Dấu ấn trên "đôi chân tròn"
Tôi có dịp gặp An tại TP.HCM, tôi hỏi em về kết quả đạt được trên hành trình làm từ thiện cùng "đôi chân tròn", nhưng An khiêm tốn trả lời: "Đó chỉ là dấu ấn mà em và những người đồng hành trong quỹ Bước chân nhân ái đạt được". Dù vậy, không khó để tôi có thể tìm thấy những bài báo viết về An và việc tốt em từng làm. Bằng nghị lực, tâm huyết và những cống hiến cho cộng đồng. An được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vinh danh thanh niên khuyết tật tiêu biểu năm 2022, và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2023.
Tôi hỏi An về điều hạnh phúc nhất trong hành trình làm từ thiện của mình, An chia sẻ: "Khi đã xác định làm thiện nguyện, chẳng bao giờ em nghĩ đến sự đáp đền. Nhưng em vui khi được đọc những lá thư cảm ơn của liên hiệp hội các xã, phường từ khắp các tỉnh thành. Khi ấy, người khuyết tật sẽ được sự quan tâm giúp đỡ của nhiều ban ngành đoàn thể". Tôi cảm nhận, hình như ngay cả trong suy nghĩ, trái tim An cũng hướng về những hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn hơn mình.
Mang trên mình một khiếm khuyết về vận động nhưng An vẫn miệt mài trên hành trình gieo lòng tốt để hạt mầm yêu thương, sẻ chia được nảy nở. An đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng không có giới hạn nào có thể ngăn cản tình yêu thương và lòng tốt của con người. Tôi tin rằng "đôi chân tròn" của An sẽ không bao giờ mỏi bước. Bởi những việc tốt An đang thực hiện để san sẻ yêu thương, em nguyện làm bằng tất cả tâm huyết trong trái tim.