Ngày 10.4, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Lã Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Hùng Cường (TP.Hưng Yên, Hưng Yên), cho biết tại khu di tích chùa Hoàng Xá và đền Quốc mẫu Âu Cơ ở thôn Tân Hưng đang tổ chức luộc nồi bánh chưng, bánh giầy khổng lồ nhân ngày lễ hội truyền thống.
"Những năm về trước, mỗi dịp lễ hội truyền thống, chùa Hoàng Xá đều tổ chức gói và luộc bánh chưng bánh giầy, năm 2014, chùa cũng đã gói bánh chưng nặng tới 5 tấn. Năm nay, bánh chưng, bánh giầy đạt trọng lượng lớn nhất, riêng bánh chưng nặng 10 tấn, còn bánh giầy nặng 2 tấn", ông Lưu thông tin.
Vẫn theo Chủ tịch UBND xã Hùng Cường, bánh chưng, bánh giầy mỗi loại được làm thành một khối, không làm đơn lẻ. Ngoài cặp bánh chưng, bánh giầy "khủng" lên tới 12 tấn kể trên, nhà chùa còn tổ chức gói 300 chiếc bánh chưng.
Về kinh phí tổ chức gói, luộc bánh, chính quyền địa phương cho biết, chương trình này được nhà chùa tổ chức xã hội hóa, do phật tử và nhân dân địa phương đóng góp nguyên liệu, từ gạo, thịt, đỗ, lá chuối, nồi luộc, củi đun… không dùng đến ngân sách.
Nồi luộc bánh chưng được đơn vị tài trợ cho lắp đặt từ các tấm tôn cứng rồi hàn lại, bánh được gói trực tiếp trong nồi. Bánh chưng, bánh giầy được luộc trong 5 ngày liên tiếp, từ ngày 7 - 11.4 (tức 29.2 - 3.3 âm lịch).
Trong những ngày này, phật tử, nhân dân tại các thôn trong địa bàn xã Hùng Cường thay nhau trông, tiếp củi cho nồi bánh.
Sau khi luộc bánh xong, vì bánh rất nặng, không thể di chuyển nên bánh được đặt tại vị trí ban đầu ở sân đền Quốc mẫu Âu Cơ. Mọi nghi lễ dâng bánh tới Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ nhân dịp giỗ tổ Hùng Vương sẽ diễn ra tại sân chùa và đền Quốc mẫu Âu Cơ ngay bên cạnh từ ngày 14 - 18.4 (tức 6.3 - 10.3 âm lịch).
Khi được hỏi về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi nguyên liệu làm bánh là quá lớn, ông Lưu cho biết, chính quyền địa phương và trụ trì chùa Hoàng Xá đặc biệt quan tâm việc này, nguyên liệu đầu vào đều được kiểm tra, giám sát cẩn thận trước khi gói và luộc bánh.
Về an toàn phòng chống cháy nổ khi thời gian luộc bánh rất dài, ngoài phật tử, nhân dân địa phương túc trực, chính quyền địa phương cũng cử cán bộ đến kiểm tra, đảm bảo không để xảy ra sự cố liên quan đến hỏa hoạn. Riêng lượng củi để nấu bánh chưng, bánh giầy trong 5 ngày, theo ông Lưu, dự tính sẽ phải dùng tới 50 - 70 tấn củi và hiện tại bà con vẫn chở củi tới.
"Nhiều người lo ngại với trọng lượng bánh chưng, bánh giầy lên tới 12 tấn sử dụng không hết sẽ gây phí phạm. Tuy nhiên, sau khi làm lễ xong, bánh sẽ được chia cho toàn bộ nhân dân địa phương và du khách thập phương đến dự lễ hội. Chúng tôi đảm bảo sẽ không còn miếng bánh nào dư thừa", ông Lưu nói thêm.