Bảo vật quốc gia: Những tác phẩm điêu khắc Champa tại thành Đồ Bàn

11:18 - 28/03/2024

Khu di tích lịch sử thành Đồ Bàn ở Bình Định gắn với 3 thời kỳ lịch sử là vương quốc Champa, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn. Nơi đây có 4 hiện vật (gồm 2 tượng sư tử đá và 2 tượng voi đá) đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

 

KINH ĐÔ CỦA 2 VƯƠNG TRIỀU

Thành Đồ Bàn (hay còn gọi là Vijaya, ở xã Nhơn Hậu, TX.An Nhơn, Bình Định) là kinh đô của vương quốc Champa trong thời kỳ có quốc hiệu là Chiêm Thành, được xây dựng từ năm 982, dưới triều đại vua Yangpuku Vijaya. Trong 5 thế kỷ là kinh đô của Chiêm Thành (từ thế kỷ 10 - 15), thành Đồ Bàn chịu nhiều cuộc tấn công từ Đại Việt, Chân Lạp, Xiêm, Nguyên Mông... Đến năm 1471, vua Lê Thánh Tông đem quân chinh phục Champa, sáp nhập vùng đất này vào lãnh thổ của Đại Việt.

Bảo vật quốc gia: Những tác phẩm điêu khắc Champa tại thành Đồ Bàn

Tượng sư tử đá thành Đồ Bàn được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định

Trong giai đoạn đầu khởi nghĩa nông dân Tây Sơn vào thế kỷ 18, Nguyễn Nhạc cho xây dựng lại và mở rộng thêm thành Đồ Bàn. Đến năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Thái Đức. Từ đây, thành Đồ Bàn chính thức mang tên là thành Hoàng Đế, trở thành kinh đô của chính quyền T.Ư Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc.

Theo các tư liệu khảo cổ học, thành Hoàng Đế là một tổng thể kiến trúc hình chữ nhật, gồm 3 vòng thành: thành Ngoại, thành Nội và Tử Cấm thành. Trong đó, thành Ngoại có chu vi 7.400 m. Thành Nội còn được gọi là Hoàng thành có hình chữ nhật, dài 430 m, rộng 370 m. Bên trong, thành Nội là Tử Cấm thành cũng có hình chữ nhật, dài 174 m, rộng 126 m.

Theo các tư liệu lịch sử, năm 1799, sau khi chiếm được thành Hoàng Đế của quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh đổi tên thành là Bình Định, giao cho Khâm sai Chưởng hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ Ngô Tùng Châu trấn giữ. Thiếu phó Trần Quang Diệu và Đại tư đồ Võ Văn Dũng của nhà Tây Sơn đem quân từ Phú Xuân (TP.Huế ngày nay) đến vây đánh để chiếm lại thành.

Năm 1801, sau khi thủy quân Tây Sơn thất bại tại cửa biển Thị Nại (nay thuộc TP.Quy Nhơn, Bình Định), Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng càng quyết tâm vây chặt thành Bình Định. Biết cầm cự không nổi với quân Tây Sơn, Ngô Tùng Châu uống thuốc độc, Võ Tánh viết thư cho Trần Quang Diệu xin tha cho binh sĩ vô tội rồi tự thiêu.

Sau khi Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng chiếm lại được thành, cảm động trước lòng can đảm của hai tướng nhà Nguyễn nên đã cho an táng tử tế và tha hết quân Nguyễn.

Năm 1802, khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Long, thành Hoàng Đế bị triệt hạ để xây dựng trấn thành Bình Định. Trong quá trình xây dựng trấn thành này, triều Nguyễn đã tận dụng vật liệu đá ong tháo dỡ từ thành Hoàng Đế.

BÁU VẬT QUỐC GIA

Ngày nay, dấu tích xưa tại khu vực thành Đồ Bàn còn lại nền móng thành cũ, hai tượng sư tử đá, hai tượng voi đá, hai hồ bán nguyệt (thủy hồ), lầu Bát Giác, lăng mộ Võ Tánh... Trong đó, hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn là những tác phẩm điêu khắc Champa, có niên đại vào cuối thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 12; có chiều cao 1,05 m, dài 1,2 m, lưng rộng nhất 0,6 m; thể hiện giống đực với dạng tượng tròn, chất liệu làm bằng đá sa thạch.

Bảo vật quốc gia: Những tác phẩm điêu khắc Champa tại thành Đồ Bàn

Tượng sư tử đá thành Đồ Bàn là tác phẩm điêu khắc Champa

Hai tượng sư tử đá này được phát hiện vào năm 1992 tại thôn Bả Canh, xã Nhơn Hậu, TX.An Nhơn (gần tháp Cánh Tiên trong khu vực thành Đồ Bàn). Ngoài hai tượng sư tử đá, người dân địa phương còn phát hiện một hố chôn tượng Gajashimha (con vật đầu voi mình sư tử). Sau đó, những tượng đá này được đưa về Trung tâm văn hóa - thông tin - thể thao TX.An Nhơn quản lý. Đến năm 1999, những hiện vật điêu khắc đá Champa này được đưa về Bảo tàng tỉnh Bình Định quản lý, trưng bày.

Các chi tiết trang trí và tư thế của hai tượng sư tử đá được tạc giống nhau, hai chân trước chổng lên, đầu ngẩng cao, mông hơi đẩy từ phía sau, ngực ưỡn thẳng về phía trước, phần bụng sau nằm xuống đất. Do hai chân trước tạc ngắn và mất cân đối nên nhìn hai bên giống như hai con sư tử đang nằm. Đây cũng là nét đặc trưng riêng, khác hẳn những tượng sư tử Champa từng được biết tới từ trước đến nay.

Phần đầu sư tử to khỏe, miệng há rộng, mặt hơi hếch lên với trán rộng, mũi to thô, hàm răng sắc nhọn, răng nanh chìa hai bên, mép trên và hai lỗ mũi được nhấn bằng hai đường gờ nổi song song viền quanh. Trán sư tử trang trí hoa văn hai lớp, lớp dưới là hạt chấm tròn kết dải, giữa trán tạc họa tiết hình lá đề bên trong có vòng tròn nhỏ, lớp trên là hoa văn hình vuốt uốn cong tạo nối tiếp nhau tạo nên băng trang trí.

Hai mắt to tròn lồi nhô lên, đôi tai vểnh được tạc cách điệu gần giống chiếc lá tròn nhọn đầu với hai đường mép ngoài uốn cong xoắn vào giữa lỗ tai. Cổ ngắn, vai và ngực được thể hiện như một tấm choàng; trên cổ đeo một vòng lục lạc khá lớn; thân tròn thon, hơi bè ngang, đuôi vắt ngược lên thân bị mất. Bốn chân sư tử ngắn, mập, cổ chân có đeo vòng trang trí tạo bởi những hạt tròn kết dải.

Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định, cho biết tháng 1.2024, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn là bảo vật quốc gia. Trong quá trình lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, tỉnh Bình Định thống nhất tên gọi "hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn", tên gọi này gắn với địa danh nơi phát hiện để thuận lợi cho việc phân tích, so sánh các yếu tố nghệ thuật với các tượng sư tử được phát hiện ở những địa phương như: sư tử Đồng Dương, sư tử Trà Kiệu, sư tử Chánh Lộ, sư tử tháp Mẫm… (còn tiếp) 

 
 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...