Cứ cho là nhạc sỹ nào đó hát rất hay, nhưng cũng không thể thay thế được ca sỹ. Họ xứng đáng được cộng đồng ngưỡng mộ, tôn vinh. Tuy nhiên, bên cạnh những ca sỹ lao động hết mình với ý thức luôn sáng tạo, tự khó tính để đem đến cho công chúng những sản phẩm nghệ thuật chất lượng nhất vẫn có không ít những người còn để lộ những hạn chế, nhược điểm. Có thể nói đó là những cố tật mang tính trầm kha.
Nói là "cố tật" vì đã như một quán tính khó sửa. Mắc những cố tật này, đáng tiếc là có cả một vài nghệ sỹ nổi tiếng, được phong tặng các danh hiệu cao quý như NSƯT, thậm chí cả NSND.
Tật đầu tiên là nhiều người hát rất ngại tìm kiếm tác phẩm mới. Có cơ hội gặp được thì lười nghiên cứu, tìm hiểu, xâm nhập để phát hiện ra giá trị, vẻ đẹp của tác phẩm. Thường họ chỉ thích hát những bài đã quen thuộc, nổi tiếng thì càng tốt để cho “chắc ăn”. Giải thích “cố tật” này không khó: Phần nhiều ca sỹ yếu về khả năng xướng âm (đọc văn bản bằng mắt, không cần dựa vào đàn cũng nắm rõ được giai điệu bài hát). Vậy nên có trong tay văn bản ca khúc mới chưa được vang lên ở đâu, họ không thể hình dung diện mạo tác phẩm như thế nào. Gặp những bài mà tác giả có nhiều tìm tòi trong việc sáng tạo giai điệu thì họ lại càng khó khăn, mất thời gian hơn.
Ảnh minh họa
Tôi nhớ mãi một lần cách đây đã khá lâu, tới chừng trên 40 năm, đến phòng thu thanh Đài Tiếng nói Việt Nam dự buổi thu một bài hát mới sáng tác của mình. Cùng buổi đó, có thu bài Anh ở đầu sông, em cuối sông cũng là ca khúc vừa viết xong của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Người hát bài này là một nữ ca sĩ khi ấy đã bắt đầu nổi tiếng. Sau khi thu xong, tôi để ý thấy cô trao lại văn bản bài hát cho người biên tập mà không giữ. Tôi nói với cô: “Tôi thấy đây là bài hát rất hay. Sao em không giữ lại để học thuộc lời phục vụ cho việc biểu diễn của mình?” (Vì khi thu, thường các ca sĩ chưa thể thuộc lời nên phải nhìn văn bản). Cô không nói gì, chỉ cười với ý: Từng thu thanh rất nhiều bài, làm sao có thể lưu giữ hết? Và như vậy cũng có nghĩa cô cho rằng bài hát đó bình thường như mọi bài khác, chẳng có gì đặc biệt để có thể làm “ca mục” cho mình. Một thời gian sau, đúng như tôi tiên liệu, bài hát rộ lên ở khắp nơi, trở thành nổi tiếng. Hầu như tại mọi kỳ hội diễn, liên hoan ca nhạc ở cả hai khu vực chuyên nghiệp và quần chúng, bài này luôn được vang lên trên các sân khấu. Có khi nhiều ca sĩ cùng hát trong một buổi - chứng tỏ sức thuyết phục cao của ca khúc này.
Và sau đó, tại các buổi biểu diễn chính thống long trọng, hoành tráng cũng như ở các tụ điểm biểu diễn ngoài trời, bài hát trên của Phan Huỳnh Điểu luôn xuất hiện do rất nhiều ca sỹ thể hiện, luôn được người nghe tán thưởng. Ngay cả đến bây giờ, nhắc đến bài này, người yêu ca hát khắp nơi đều quen biết. Điều đáng nói là ca sĩ thu thanh bài này lần đầu tiên như tôi đã nói sau đó đã không nghĩ tới việc hát nó tại các nơi cô biểu diễn mà đã tìm đến những bài khác khi đó đang nổi. Nhưng đến khi bài này lan tỏa, cô mới trở lại hát bài mà mình đã đem đến cho công chúng lần đầu tiên qua làn sóng phát thanh, nhưng chính mình khi đó đã hờ hững, bỏ qua.
Cố nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn có lần kể với tôi: Sau ngày thống nhất đất nước, ông có bài “Tình em biển cả” rồi tiếp đến là bài “Hà Nội – một trái tim hồng” may mắn có được đời sống tốt, nhiều người biết. Ông luôn được tiếp nhiều bạn trẻ đến xin hai bài này để hát tại các hội diễn. Ông muốn giới thiệu với họ một bài mới vừa viết xong khi ấy là “Chiều trên bến cảng” thì thấy ai cũng thờ ơ, không có ý xin. Chỉ sau khi ca sỹ Ngọc Tân mang bài này đi thi tại một kỳ thi hát quốc tế về chủ đề cảng, biển và được giải cao, về thu thanh trên Đài Tiếng nói Việt Nam và hát ở các nơi, trở nên nổi tiếng, lúc đó mới rộ lên, ca sĩ nam nào cũng thích hát bài này trên các sân khấu.
Tôi nói với Nguyễn Đức Toàn: “Vậy là cố ca sĩ Ngọc Tân rơi vào trường hợp quý hiếm: Đã tự tin, có bản lĩnh để dám tìm đến một sáng tác mới toanh chưa được thử thách ở đâu, lại mang đi thi quốc tế?”.
Vị nhạc sĩ quân đội nổi tiếng cho biết: Không hẳn như vậy mà vì cuộc thi ấy có một điều khoản ràng buộc: Chỉ chấp nhận thí sinh dự thi những bài về cảng, biển và phải là sáng tác mới, chưa xuất hiện ở đâu dưới bất cứ hình thức nào. Lúc đó, nhiều bài về biển rất hay nhưng lại không phải là mới. Bài của mình đáp ứng được đúng yêu cầu của Ban tổ chức cuộc thi quốc tế đó. Mình đã phải hát đi hát lại rất nhiều lần, khi thấy ngấm, cậu ấy mới yên tâm quyết định mang đi dự thi.
Câu nói trên của Nguyễn Đức Toàn cũng được hiểu là nếu không có điều khoản quy định là tác phẩm phải hoàn toàn mới, chắc người cố ca sĩ nổi tiếng đã không chọn bài hát của ông.
Giới ca sĩ có mâu thuẫn: Một mặt thích tìm đến những tác phẩm mới để hy vọng mình sẽ ghi được dấu ấn khi trình diễn. Nhưng mặt khác lại rất ngại làm việc này vì mất nhiều thời gian, nhất là đối với những người khả năng xướng âm yếu. Nhưng rồi do thiếu thời gian nên đã chấp nhận hát những bài đã quen biết cho tiện, dễ được công chúng tán thưởng.
Có một sự thật: số đông công chúng dễ thấy hay đối với những bài hát đã quen biết. Ngược lại, một ca khúc mới, chưa xuất hiện ở đâu thì dẫu có thực sự hay, họ cũng không dễ hưởng ứng. Nhiều ca sĩ hiểu tâm lý này của công chúng nên đã chỉ muốn tìm những bài đã nổi tiếng để trình diễn.
NSND Trần Hiếu cho biết: Còn một lý do nữa giải thích hiện tượng trên. Đó là phần nhiều ca sĩ khi hát trên sân khấu chỉ chọn những bài giàu yếu tố sân khấu chứ nếu chỉ nghe thấy hay thôi thì chưa đủ. Hỏi “yếu tố sân khấu” đó là gì, ông cho biết là phải có “đất” để diễn tức là phải có cao trào, điểm nhấn để họ khoe được giọng và thể hiện được một vài động tác ngoại hình trên sân khấu.
Một cố tật khá phổ biến nữa của nhiều ca sỹ là cứ thích hát bốc cao (nhấc lên một quãng 8) ở nốt kết bài mặc dù tác giả không viết như vậy. Cũng vì mục đích muốn khoe giọng (vang, trường hơi, lên cao vẫn sáng…) Có bài xử lý như vậy cũng vô hại, không mấy ảnh hưởng đến sức thuyết phục của tác phẩm. Nhưng ở nhiều trường hợp đã làm hạn chế sự tinh tế và không đúng ý định biểu cảm của tác giả, thậm chí nghe thấy ngây ngô, buồn cười.
Một ví dụ: Rất nhiều ca sĩ hát bài “Bước chân trên dải Trường Sơn” (Vũ Trọng Hối) đã thay chữ “mình” bằng “ta” ở nốt kết bài trong câu cuối cùng “Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình” thành “Ta đi theo ánh lửa từ trái tim ta”. Hai tiếng “ta” trở nên điệp từ, nghe rất kỳ. Sở dĩ như vậy vì nếu để “mình” thì khi hát nhấc lên quãng 8 sẽ thành “mính” không thể nghe. Vì sao tác giả lại kết ở nốt thấp mà không “bốc” lên? Rất dễ hiểu: Nếu kết bài như tác giả viết sẽ thấy cái ngọn lửa lý tưởng trong trái tim các chiến sĩ giải phóng hành quân trên dãy núi Trường Sơn luôn ngùn ngụt bốc cao nhưng sâu sắc, kín đáo, thầm lặng trong sâu thẳm trái tim chứ không ồn ào, càng không phải hô to để ai cũng nghe như khi hát bốc lên. Bình dị, thanh thản mà mạnh mẽ, sâu sắc, son sắt với lý tưởng yêu nước, quyết tâm giải phóng miền Nam là những phẩm chất đẹp của mỗi người chiến sỹ được tác giả biểu hiện rõ trong ca khúc rất nổi tiếng này. Hát vút lên như nhiều người thể hiện sẽ mất đi ý nghĩa như đã nói.
Một xử lý rất tệ hại khác trái với ý của tác giả là bài “Đường về Hoàng hôn” của Hồng Đăng. Câu cuối cũng bị ca sỹ hát lên một quãng 8: “Chiều nay anh đưa em về đâu” (nhắc lại 3 lần, lần thứ 3 thì “bốc” cao). Không khí chung của bài này là bâng khuâng, ngập đầy kỷ niệm yêu đương, rất lãng mạn nên cần sự thể hiện tinh tế của người hát. Vậy mà ca sĩ ngân cao, lại thả hết âm lượng ở câu kết bài thì còn đâu điều đó?
Một tật khác cũng khá phổ biến là nhiều ca sỹ đã thích lặp lại câu hát kết bài nhiều lần trong khi tác giả chỉ để một lần. Có thể nhắc lại nhưng chỉ nên thêm một lần và không phải bài nào việc xử lý này cũng có hiệu quả. Bài “Bài ca may áo” (Xuân Hồng), một tốp nữ đã lặp lại câu cuối cùng “Nhanh tay lên nào anh chị em ơi!” tới… 10 lần kèm theo hát nhỏ dần nghe quá nhàm, không thể chấp nhận.
Như đã nói, không thể phủ nhận vai trò của ca sĩ. Nhờ họ mà công chúng được hưởng thụ những ca khúc hay, có giá trị, từ đó tâm hồn được phong phú thêm. Và cũng đã có nhiều ca sỹ lao động nghiêm túc, có “gu” thẩm mỹ cao, không mắc những cố tật trên. Song, số này chưa nhiều, ngay cả ở những ca sĩ tài năng, nổi tiếng mà nếu khắc phục được, sẽ còn phát huy hiệu quả trình diễn hơn./.