Trong cuộc so tài giữa CLB Hải Phòng và CLB Bình Định ở trận đấu thuộc vòng 19 V-League 2023 - 2024 diễn ra tối 18.5, thủ môn Nguyễn Đình Triệu đã gặp chấn thương ở vùng đầu trong hiệp 1 sau tình huống va chạm với Phạm Văn Thành (Bình Định).
Theo chia sẻ của HLV Chu Đình Nghiêm, Đình Triệu bị choáng và mất trí nhớ tạm thời. Thời điểm này, CLB Hải Phòng đã muốn thay Đình Triệu bằng thủ thành Nguyễn Văn Toản. Tuy nhiên sau đó đội ngũ y tế đội Hải Phòng để Đình Triệu tiếp tục thi đấu, trước khi thủ môn này rời sân ở phút 62, trong tình trạng quá tải. Hiện anh đã ở trạng thái ổn định và có những chia sẻ trấn an người hâm mộ.
Trường hợp của thủ môn Đình Triệu đã gợi mở vấn đề: chấn thương vùng đầu (dẫn đến ảnh hưởng não bộ) hiện ngày càng phổ biến trong bóng đá. Nên ứng xử thế nào cho đúng?
Nguyên tắc ứng xử với những chấn thương ở vùng đầu, những nền bóng đá lớn, trong đó có bóng đá Anh, đã quy định rất rõ: các cầu thủ cần được nghỉ ngơi và theo dõi trong ít nhất 24 giờ đồng hồ đầu tiên sau khi chấn thương xảy ra.
Ở trường hợp của Đình Triệu, việc mất trí nhớ tạm thời cho thấy chấn thương vùng đầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ. Đây là loại chấn thương "chấn động", hay còn gọi là rung chấn (concussion).
Tài liệu của cơ quản quản lý bóng đá Anh nêu rõ: "Chấn động não được lý giải là tình trạng tổn thương não bộ có thể dẫn đến rối loạn chức năng não. Nó ảnh hưởng đến cách một người suy nghĩ, cảm nhận và ghi nhớ mọi thứ.
Có nhiều triệu chứng chấn động, trong đó những triệu chứng thường gặp bao gồm nhức đầu, chóng mặt, rối loạn trí nhớ và các gặp vấn đề về thăng bằng. Chấn thương chấn động não bộ có thể xuất phát từ va chạm trực tiếp ở vùng đầu, nhưng cũng có thể đến từ va chạm tại một số bộ phận khác trên cơ thể".
Tài liệu nói trên đưa ra nguyên tắc: "Những cầu thủ chấn thương ảnh hưởng đến não bộ cần ngay lập tức rời khỏi sân và không trở lại thi đấu trong ít nhất 24 giờ. Cầu thủ cần được đảm bảo theo dõi an toàn. Nếu có những triệu chứng như đau đầu dữ dội, co giật, suy giảm ý thức, cầu thủ cần được chuyển tới cấp cứu tại bệnh viện.
Các cơ quan bóng đá thế giới cũng khuyến cáo, trong trường hợp cầu thủ chấn thương não hoặc có những dấu hiệu tổn thương não, cần đến chuyên gia y tế hoặc chăm sóc sức khỏe để được chẩn đoán và tư vấn, ngay cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm.
Phải rời sân ngay lập tức, không được tiếp tục thi đấu
Trả lời Báo Thanh Niên về trường hợp của thủ môn Đình Triệu, bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền, người có 30 năm cống hiến cho y học thể thao Việt Nam, nêu quan điểm:
"Trước tiên, cầu thủ chấn thương vùng đầu phải ra khỏi sân để bác sĩ theo dõi, chẩn đoán sát sao tình hình. Cầu thủ không được thi đấu tiếp. Chúng ta đã có hướng dẫn cụ thể của quốc tế về các trường hợp như vậy. Cầu thủ đã mất trí nhớ thì không thể được cho thi đấu tiếp, bởi đó là chấn thương ảnh hưởng đến não, nguyên tắc là như vậy.
Gặp chấn thương dẫn đến mất trí nhớ, cầu thủ phải rời sân ngay để bác sĩ theo dõi, rồi sau đó chụp chiếu để kiểm tra, đánh giá tình hình. Nếu cầu thủ muốn trở lại ở các trận đấu sau đó, cần phải có quy định thăm khám rất rõ ràng. Nhìn chung, đây là chấn thương phức tạp, đòi hỏi đội ngũ y tế phải đánh giá kỹ lưỡng tình hình".
Báo Thanh Niên cũng tham khảo bác sĩ Trần Huy Thọ, cựu thành viên ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam về vấn đề chấn thương vùng đầu của Đình Triệu, và nhận được câu trả lời như sau:
"Khi cầu thủ chấn thương vùng đầu, đội ngũ y tế của đội phải nhận định xem chấn thương có đau, trầy hay chảy máu không. Nếu vết thương không chảy máu, phải kiểm tra cầu thủ bằng một số câu hỏi. Những chấn thương vùng đầu có thể đến từ va chạm, đập đầu xuống đất... khiến cầu thủ bị choáng, mất trí nhớ tạm thời.
Lúc này, cầu thủ cần được cho nghỉ ngay. Bởi đây là chấn thương rất nguy hiểm liên quan đến vùng não, đòi hỏi cầu thủ phải nghỉ ngơi và được đưa đi kiểm tra, theo dõi tình hình. Nếu bác sĩ của đội nhận định đây là chấn thương nặng, cầu thủ cần được chụp CT vùng não bộ luôn để đánh giá", bác sĩ Trần Huy Thọ nhận định.