Mùa 2023, sau khi chật vật trụ lại giải hạng nhất, sự xuất hiện của Tập đoàn Trường Tươi giúp CLB Bình Phước thay đổi mạnh mẽ. Đội bóng này mời HLV Nguyễn Anh Đức, người có một mùa giải thành công cùng CLB Long An, về ngồi vào chiếc ghế thuyền trưởng.
Cùng với đó, họ cũng chiêu mộ và mượn nhiều cầu thủ chất lượng để phục vụ cho tham vọng thăng hạng V-League. Tuy nhiên, cựu tuyển thủ Việt Nam và các học trò chưa làm được điều đó khi chỉ xếp thứ 3 ở giải hạng nhất 2023 - 2024.
Đến mùa giải 2024 - 2025, CLB Bình Phước còn thay đổi mạnh mẽ hơn, thậm chí có thể coi đây là một cuộc “cách mạng”. Đầu tiên, trang mạng xã hội chính thức của đội bóng này chỉnh chu hơn về mặt xây dựng nội dung, hình ảnh.
Sân vận động Bình Phước cũng được cải tạo, trang trí lại nhiều hạng mục và quan trọng nhất là mặt cỏ sẽ được nâng cấp để đẩy chất lượng chuyên môn lên cao hơn. Lực lượng của CLB Bình Phước cũng được nâng cấp đáng kể.
Nếu như ở mùa trước, họ mượn khá nhiều tài năng trẻ từ các đội V-League như Hà Châu Phi, Nguyễn Ngọc Mỹ (CLB Thanh Hóa) hay Nguyễn Mạnh Hưng, Đoàn Huy Hoàng, Nguyễn Hữu Thái Bảo (CLB Thể Công Viettel) thì giờ đội bóng này chiêu mộ nhiều cầu thủ chất lượng, giàu kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao.
Có thể kể tên Lê Thanh Bình (từ CLB Thanh Hóa), Hồ Tuấn Tài (CLB TP.HCM), Hồ Sỹ Giáp (CLB Bình Dương), Hoàng Minh Tâm (CLB Đà Nẵng)... Đáng chú ý nhất là thương vụ chiêu mộ thành công tiền đạo Công Phượng. Tân binh này không chỉ giúp cải thiện sức mạnh cho đội bóng mà còn mang lại cú hích về mặt truyền thông, tăng sức hút cho CLB Bình Phước.
Để tăng hiệu quả thi đấu, CLB Bình Phước cũng mời các chuyên gia Nhật Bản về làm việc là ông Ueno Nobuhiro (HLV thể lực và chiến thuật) và Matsuki Hitoshi (y tế) bên cạnh cựu Quả bóng vàng Việt Nam Huỳnh Quốc Anh làm trợ lý cho HLV Anh Đức. Về mặt định hướng, chiến lược, những người đảm nhận là ông Machida Yoshiyuki (giám đốc khối vận hành) và ông Yamamoto Yoshihiro (giám đốc học viện).
Có thể thấy rõ rằng CLB Bình Phước đi theo lộ trình phát triển lâu dài, bền vững với cựu Giám đốc kỹ thuật VFF Adachi Yusuke đang là kiến trúc sư trưởng trong vai trò Giám đốc điều hành. Nếu đi đúng hướng, giá trị mà CLB Bình Phước tạo ra sẽ vươn ra ngoài khuôn khổ bóng đá, tương tự những gì HAGL ở Gia Lai hay Buriram United, đội bóng số một Thái Lan đã làm được.
Câu chuyện mô hình Buriram United
Theo đề tài nghiên cứu mang tên “Đánh giá tác động về kinh tế của du lịch thể thao tại Buriram” của một nhóm tác giả thuộc trường đại học Chulalongkorn (Thái Lan) vào năm 2022, tỉnh Buriram tổ chức khoảng 100 sự kiện thể thao mỗi năm để thúc đẩy du lịch.
Đây là tỉnh đầu tiên của Thái Lan coi du lịch thể thao là chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế. Trước đó, thu nhập chính của người dân tỉnh này đến từ nông nghiệp (chủ yếu là chăn nuôi). Các địa danh nổi tiếng liên quan đến thiên nhiên, văn hóa, lịch sử chứ không phải thể thao.
Bước ngoặt phát triển đến vào năm 2009, khi doanh nhân, chính trị gia Newin Chidchob tiếp quản PEA FC và đổi tên đội bóng này thành Buriram PEA và sau đó là Buriram United. Chỉ 2 năm sau, Buriram trở thành đội đầu tiên của Thái Lan giành cú ăn 3 (giải Thai League, Cúp quốc gia, cúp Liên đoàn). Giờ đây, đội bóng miền Đông Bắc Thái Lan được đánh giá là CLB số một xứ chùa vàng.
Thành công trên sân cỏ của Buriram tạo ra tác động lớn về mặt kinh tế. Năm 2011, họ xây dựng Thunder Castle, sân vận động đạt tiêu chuẩn FIFA và trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng tại tỉnh Buriram. Sau khi sân này được khánh thành, số lượng khách du lịch đến đây tăng 15%.
Ba năm sau, ông Chidchob cho xây dựng thêm đường đua đạt tiêu chuẩn FIA – Grade 1 cho xe ô-tô và FIM – Grade A dành cho cho mô tô. Nhờ đó Buriram trở thành một điểm đến cực kỳ hấp dẫn với gói “combo” gồm sân Thunder Castle, trường đua, trung tâm mua sắm và các di tích văn hóa, lịch sử.
Từ năm 2001 đến năm 2010, nền kinh tế du lịch của tỉnh Buriram mang về tổng doanh thu chỉ 10,5 triệu USD, nhưng đến giai đoạn 2011-2018 con số này lên đến 113,6 triệu USD, gấp hơn 10 lần. Đặc biệt, ông Chidchob hướng Buriram United phát triển bền vững, rất chú trọng vào khâu đào tạo trẻ.
Năm 2018, Buriram United hợp tác với ông Andrew Ord, chuyên gia đưa "Messi Thái" Chanathip Songkrasin ra ánh sáng. Ngoài ra, đội bóng này còn liên kết với rất nhiều đội bóng nước ngoài như Borussia Dortmund (Đức), Leicester City (Anh), OB (Đan Mạch) hay Consadole Sapporo (Nhật Bản).
Nhờ đó, các cầu thủ trẻ của Buriram United được ăn tập trong môi trường chuyên nghiệp, tiếp xúc với các chuyên gia nước ngoài, có nhiều cơ hội xuất ngoại. Từ nền tảng tốt, những “măng non” như Suphanat Muenta hay Supachok Sarachat dần trở thành trụ cột của đội tuyển Thái Lan.
Bình Phước cũng có những nét tương đồng với Buriram trước đây như chưa phát triển về du lịch, có nhiều tiềm năng để khai thác du lịch văn hóa kết hợp thể thao.
Thời gian qua, bầu Sơn của CLB Bình Phước bắt đầu tạo dấu ấn khi Bình Phước đứng ra tổ chức những sự kiện thể thao lớn như giải Bình Phước marathon, giải bóng chuyền nữ vô địch quốc gia 2024, các trận đấu của CLB Bình Phước tại hạng nhất, festival cựu cầu thủ bóng đá Việt Nam lần thứ 7...
Điều này giúp hình ảnh của tỉnh Bình Phước đến gần hơn với đông đảo người hâm mộ thể thao, giống những gì bầu Đức từng làm với Gia Lai hơn 20 năm trước.
Giờ đây, CLB Bình Phước cũng dần hoạt động một cách chuyên nghiệp, có định hướng rõ ràng như những gì ông Chidchob thực hiện ở Buriram United. Việc họ trở thành CLB hạng nhất đầu tiên thuê Giám đốc điều hành ngoại, với định hướng rõ ràng theo mô hình J-League là điểm nhấn đặc biệt.
Đặc biệt mới đây họ đã hợp tác chuẩn bị ra mắt Học viện Trường Tươi BMG, để tận dụng nguồn cơ sở vật chất và kinh nghiệm làm bóng đá trẻ của lò Juventus cũ, làm "nhà" khởi đầu cho lứa U.12 Bình Phước mới tuyển sinh là bước đầu tiên trong chiến lược làm bóng đá trẻ căn cơ, dài hạn.
Hy vọng, CLB Bình Phước sẽ có những bước tiến vượt bậc để tạo ra những tác động tích cực với bóng đá nói riêng và hình ảnh tỉnh Bình Phước nói chung, để có thể gặt hái thành công như mô hình Buriram United ở Thái Lan, hay bầu Đức tại HAGL.